Để chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn sớm đi vào cuộc sống, sau khi Nghị quyết 21 ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhanh chóng triển khai thực hiện, chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu xây dựng liên kết cánh đồng lớn (CĐL). Bằng việc đẩy mạnh hỗ trợ chi phí liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, xây dưng mô hình khuyến nông, giống, vật tư nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã duy trì, mở rộng diện tích liền kề 14 liên kết CĐL và xây dựng mới 10 liên kết, với diện tích hơn 2.913 ha, vượt 1,4% kế hoạch.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) được hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất măng tây xanh.
Ninh Phước được đánh giá là địa phương triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 21. Huyện đã phê duyệt và hỗ trợ chi phí tư vấn thực hiện xây dựng kế hoạch, dự án liên kết 11 CĐL (9 CĐL sản xuất lúa và 2 CĐL sản xuất măng tây xanh), giúp các HTX xác định rõ lộ trình hoạt động, tính pháp lý của hợp đồng liên kết được pháp luật công nhận về quyền, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, huyện đã hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Khánh (xã Phước Thuận) 1 máy đào đất; HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu) 1 máy cày; HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải) 10 máy phun thuốc, 1 máy nghiền phân, 1 máy xới đất; HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Rế (xã Phước Hải) 2 máy phun thuốc, 1 máy cày, 1 máy xới đất cầm tay, 2 máy cắt măng tây xanh, với tổng số tiền 1,436 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, đánh giá: Sau khi được hỗ trợ đầu tư, các HTX đã chủ động thực hiện dịch vụ nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch, không lệ thuộc dịch vụ từ bên ngoài, giúp các nông dân giảm chí phí sản xuất, tăng thu nhập.
Ngoài ra, trong năm 2019, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lồng ghép các nguồn vốn thực hiện mô hình san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser 33 ha tại các liên kết sản xuất lúa; hỗ trợ chi phí mua giống chất lượng cao, thuốc bảo vệ thực vật cho 24 liên kết CĐL. Cụ thể, hỗ trợ năm thứ hai với mức 20% cho 14 liên kết xây dựng năm 2018 và hỗ trợ 1 lần 30% cho 10 liên kết xây dựng mới năm 2019. Đồng thời, hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện Ninh Phước và Ninh Hải triển khai mô hình trồng măng tây xanh an toàn 5 ha và mô hình trồng nho an toàn 13,5ha.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2019 UBND tỉnh bố trí 13,914 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó, vốn sự nghiệp nông thôn mới 12,214 tỷ đồng; vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 700 triệu đồng, vốn cơ cấu lại ngành Nông nghiệp 1 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019 đã giải ngân được 12,057 tỷ đồng, đạt 93,3% kế hoạch. Hoạt động hỗ trợ triển khai đồng đều ở các lĩnh vực, riêng kinh phí hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi chưa giải ngân được. Theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên nhân của hạn chế là do việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đòi hỏi phải có thời gian triển khai mô hình thí điểm, tổ chức đánh giá hiệu quả, sau đó mới chuyển giao nhân rộng, trong khi đó nhận thức của nông dân về nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Mặc khác, trong năm 2019 chưa có HTX đề xuất được hỗ trợ triển khai mô hình do không bố trí được vốn đối ứng.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 21, Sở NN&PTNT đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành đánh giá các mô hình có hiệu quả để có kế hoạch hỗ trợ nhân rộng; đồng thời, đề nghị các địa phương vào cuộc hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia các chuỗi liên kết.
Anh Tùng