Nhằm cụ thể hóa nghị quyết, Đảng ủy xã Lương Sơn đã ban hành Chương trình hành động về tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 -2020; đồng thời chỉ đạo UBND xã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lại ngành sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh 3 khâu đột phá: Đầu tư hạ tầng thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của xã; thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong đổi mới sản xuất nông nghiệp, trước khi ban hành chương rình hành động, đề án, đã tổ chức họp lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hằng năm, chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn cấp trên tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn quy trình chuyển giao khoa học, kỹ thuật cũng như phổ biến các chính sách trong nông nghiệp cho nông dân. Qua đó giúp cho nông dân nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết hàng năm và giải pháp thực hiện nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Nông dân xã Lương Sơn sản xuất cánh đồng lúa lớn đạt năng suất cao. Ảnh: Văn Miên
Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, kết hợp với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, UBND xã đã huy động nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi tại địa phương với số tiền trên 10,7 tỷ đồng. Trong đó, về giao thông, nhân dân địa phương đóng góp trên 500 triệu đồng; Ban Quản lý Saemaul Hàn Quốc hỗ trợ 1,35 tỷ đồng; vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 4,4 tỷ đồng. Về thủy lợi, nhân dân đóng góp gần 170 triệu đồng; Ban Quản lý Saemaul Hàn Quốc hỗ trợ gần 755,5 triệu đồng; vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 3,5 tỷ đồng.
Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển, UBND xã tập trung tuyên truyền trong nông dân tăng cường việc ứng dụng khoa học-công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của xã. Với mục đích áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, chế biến, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hoá nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình được triển khai và đem lại hiệu quả kinh tế cao như cánh đồng lớn sản xuất lúa, nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP...
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, xã đã thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại tư nhân, hộ nông dân, hợp tác xã liên kết chặt chẽ để đảm bảo sản xuất gắn với thị trường; phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng trong năm 2019, thực hiện mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, có 24 hộ đăng ký tham gia, với diện tích trên 10 ha. UBND xã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tổ chức tập huấn cho các hộ dân thôn Tân Lập 2 về quy trình sản xuất, thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩnVietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phát huy hiệu quả như cây kiệu, bắp, ớt, chăn nuôi bò sinh sản. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đưa các giống mới, chất lượng vào sản xuất bước đầu được nhân dân triển khai áp dụng; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, góp phần thúc đẩy và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân 11,9%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 11,6%/năm. Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 28.110 tấn, tăng 4.617,5 tấn so với năm 2015. Cơ cấu nông, lâm nghiệp chiếm 98,7%. Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp chủ động nước tăng ít nhất 1,1 lần và thu nhập bình quân mỗi người trong năm tăng 1,8 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4-5%/năm. Năm 2018, xã Lương Sơn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đồng chí Lê Thị Chung, Bí thư Đảng ủy xã, tuy bước đầu địa phương đạt một số kết quả trong đổi mới sản xuất nông nghiệp, nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, diện tích manh mún nên hạn chế áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhân rộng các mô hình hiệu quả vào sản xuất còn chậm. Sản xuất hàng hóa tuy đã đạt được kết quả khả quan, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới trong sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU, đảng bộ xã tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, các doanh nghiệp và nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; xây dựng vùng nguyên liệu hình thành chuỗi giá trị lúa gạo; đồng thời tạo sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp liên kết bao tiêu đa dạng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã.
Nhật Nguyên