Bên cạnh những tín hiệu tích cực về việc mở rộng dư địa thị trường, các ngành hàng này cũng đối mặt với không ít thách thức khó giải quyết trong một sớm một chiều.
Đây là nội dung được các chuyên gia thảo luận Hội thảo ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 5/12.
Nhiều tín hiệu tích cực
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, phát biểu khai mạc Hội thảo.
CPTPP được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung bởi quy mô thị trường lớn và mức độ cam kết cắt giảm thuế quan sâu nhất từ trước đến nay. Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động, CPTPP có thể tạo nên mức tăng trưởng bình quân từ 4 - 5%, mức tăng trưởng xuất khẩu từ 8,7 - 9,6%.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sở dĩ CPTPP được đánh giá có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam bởi Việt Nam đang là nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu; trong đó, dệt may, da giày, đồ gỗ là ba ngành hàng xuất khẩu chủ lực (không tính ngành điện tử), cũng là những ngành chịu tác động rõ nét từ CPTPP.
Cụ thể, xuất khẩu da giày Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, xuất khẩu dệt may đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và xấp xỉ bằng Ấn Độ, trong khi đó xuất khẩu đồ gỗ cũng nằm trong nhóm 5 nước hàng đầu thế giới. Trước khi CPTPP có hiệu lực, thị trường các nước CPTPP đang chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ uống của Việt Nam ra thế giới.
Theo ông Võ Tân Thành, mặc dù tỷ lệ xuất khẩu vào các nước CPTPP khá cao nhưng mới tập trung vào một số thị trường truyền thống, đã có Hiệp định thương mại tự do FTA song phương từ trước như Nhật Bản, Australia. Còn kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường như Canada, Peru, Mexico còn rất khiêm tốn. Đó là dư địa lớn cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau khi CPTPP đi vào thực thi.
Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tính từ thời điểm CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam (8/3/2019) đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất nhập khẩu theo CPTPP tại khu vực TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Theo phân tích của ông Trần Ngọc Bình, trên thực tế, số lượng hàng hóa tận dụng được ưu đãi vào các thị trường CPTPP cao hơn 15% bởi doanh nghiệp có thể chọn nhiều ưu đãi của FTA khác khi xuất khẩu vào Nhật Bản, Chile, các thành viên trong ASEAN. Thêm vào đó, một số mặt hàng của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt thấp hơn thuế quan trong CPTPP. Nếu nhìn nhận đa chiều trong bối cảnh Việt Nam đã có hơn 10 FTA cả song phương, đa phương; trong đó, có nhiều FTA chồng lấn nhau thì mức độ tận dụng ưu đãi từ CPTPP là rất tích cực. Điều này cho thấy, CPTPP thật sự mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Vẫn còn nhiều thách thức
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại Hội thảo.
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh những lợi ích về cắt giảm thuế quan, thúc đẩy cải cách thể chế, việc thực thi CPTPP cùng mang lại không ít thách thức cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ông Võ Tân Thành cho rằng, CPTPP một mặt tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường các nước CPTPP nhưng mặt khác những cam kết về mở cửa thị trường cũng tạo nên sức ép cạnh tranh không nhỏ cho doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa.
Ngoài ra, điều kiện về quy tắc xuất xứ của CPTPP cũng tương đối chi tiết, phức tạp nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng để tận dụng được ưu đãi về mặt thuế quan. Chưa kể, CPTPP còn bao gồm nhiều cam kết mang tính bao trùm về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…khiến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cạnh tranh.
Bà Khưu Thị Thanh Thủy, Tổng thư ký Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất chủ động trong việc tận dụng các ưu đãi thuế quan khi xuất nhập khẩu, tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu đá ứng quy tắc xuất xứ đang là “nút thắt cổ chai” khó tháo gỡ trong ngành dệt may Việt Nam.
“Dệt may Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu cắt may, gia công xuất khẩu, trong khi lĩnh vực dệt nhuộm vốn rất yếu lại khó có thể phát triển do vấn đề về vốn đầu tư, môi trường, lao động… Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, khó tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong nội khối CPTPP khiến cho việc đáp ứng nguyên tắc xuất xứ trong CPTPP trở nên khó khăn”, bà Thủy nhấn mạnh.
Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP Hồ Chí Minh thông tin, so với các ngành khác, tác động của việc cắt giảm thuế quan từ CPTPP không lớn bởi trước đó mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ đã được ưu đãi thuế nhập khẩu khá thấp. Ngược lại việc thực thi CPTPP mang lại khá nhiều áp lực cho doanh nghiệp khi phải đáp ứng các yêu cầu khá khắt khe về truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội.
Như vậy không có nghĩa là CPTPP không mang lại lợi ích cho ngành gỗ, nếu nhìn xa hơn, CPTPP là bước đệm tốt để doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn phát triển bền vững, từ đó chinh phục các thị trường khác và cải thiện năng lực cạnh tranh trực tiếp với các nước xuất khẩu gỗ lớn như Trung Quốc, Đức, Italy và Ba Lan.
Các chuyên gia cho rằng, cả dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường CPTPP nhưng mỗi ngành hàng có mức độ cam kết cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ khác nhau. Do đó, mỗi doanh nghiệp, hiệp hội cần có kế hoạch, chiến lược kinh doanh thích hợp để tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định mang lại; trong đó, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách chủ động nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, quản trị là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong tận dụng cơ hội CPTPP mà còn đảm bảo sự phát triển ổn định, ứng phó hiệu quả với các thách thức khác từ hội nhập.
Theo TTXVN/Báo Tin tức