Qua 10 năm thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, toàn huyện đã xây dựng và triển khai 941 mô hình (trong đó 564 mô hình tập thể, 350 mô hình cá nhân). Có được kết quả đó, trước hết phải kể đến thành công từ công tác tuyên tuyền của các cấp, nhờ đó đã thu hút, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Các mô hình “Dân vận khéo” dần có sức lan tỏa trong cộng đồng, xuất hiện các cá nhân, tập thể có cách làm hay, sáng tạo được triển khai nhân rộng, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác dân vận. Đặc biệt, trên lĩnh vực phát triển kinh tế người dân luôn nhiệt tình tham gia và hưởng ứng. Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các ban, ngành, đoàn thể luôn khuyến khích các nông hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; thay đổi tập quán canh tác. Chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng các tổ, nhóm có chung sở thích kinh doanh; hình thành hợp tác xã sản xuất. Cụ thể như: Xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 100 ha tại xã Lương Sơn với 50 hộ tham gia; mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với quy mô 640,61 ha/1.156 hộ; mô hình tưới nước tiết kiệm trên diện tích 140,5 ha/67 hộ tham gia. Triển khai xây dựng mô hình trồng 10 ha lúa (Lương Sơn), 5 ha măng tây xanh (Lâm Sơn) theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình nuôi gà thả vườn, vỗ béo bò, ủ chua thức ăn chăn nuôi bò bán công nghiệp... Qua đó, góp phần giúp nông dân trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Nông dân Ninh Sơn tích cực sản xuất nâng cao thu nhập.
Chị Trần Thị Nhuận, thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, chia sẻ: Trước năm 2010, đời sống gia đình còn khó khăn thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào trồng lúa. Từ khi được chính quyền địa phương vận động phát triển kinh tế hộ theo hình thức chăn nuôi, chị đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với đó là sự hỗ trợ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển. Nhờ vậy, hiện nay từ việc chăn nuôi lợn, gà và chim bồ câu lợi nhuận gia đình thu về mỗi năm từ 120-130 triệu đồng.
Ngoài việc phát triển kinh tế, các mô hình trên lĩnh vực văn hóa – xã hội đã tạo đồng thuận cao trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới; xóa bỏ định kiến tôn giáo, tập tục lạc hậu; từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ý thức tiết kiệm. Nhiều mô hình hay được triển khai như: Mô hình “Thắp sáng đường quê” đã vận động các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quyên góp lắp đặt 536 bóng đèn tại các thôn với chi phí 418 triệu đồng; tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; mô hình “Hũ gạo tình thương”; mô hình “Thu gom rác thải” vận động được 61/61 thôn, khu phố tham gia với mức đóng góp mỗi hộ 10 nghìn đồng/tháng để duy trì hoạt động thu gom rác thải... Đồng thời công tác an sinh xã hội cũng được các cấp, ban, ngành quan tâm khi vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, “Khuyến học, khuyến tài”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Chỉ tính riêng trong năm 2019 đã hỗ trợ xây mới 15 căn nhà bị thiệt hại do bão số 9, triển khai xây dựng 60 căn nhà theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ hay hỗ trợ cho 5 hộ tiểu thương chợ Quảng Sơn bị thiệt hại do hỏa hoạn. Đối với lĩnh vực quốc phòng-an ninh, các mô hình điển hình như: “Tổ nhân dân tự quản”, “Tộc họ tự quản”, “Xứ đạo bình yên”, “Trường học an toàn về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy”... được tiếp tục duy trì và nhân rộng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ban Dân vận huyện Ninh Sơn, cho biết: Để phong trào đạt những kết quả cao hơn, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận, Mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức trong hệ thống chính trị vào công cuộc vận động “Dân vận khéo” một các thiết thực, có tính bền vững và lan tỏa. Tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, triển khai và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Đồng thời gắn phong trào thi đua với việc thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.
Lê Tuấn