Dấu ấn của thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là điểm sáng góp phần vào thắng lợi toàn diện. Hướng tới đạt mục tiêu của đề án là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân, trong năm 2019 ngành Nông nghiệp tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất với tinh thần quyết liệt hơn. Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu chuyển đổi cây trồng, tính chung cả năm 2019 toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 1.671 ha, vượt 3,75% kế hoạch; trong đó, vụ đông - xuân 582,62 ha, vụ hè - thu 855,11 ha, vụ mùa 234,25 ha. So với năm trước, công tác chuyển đổi cây trồng năm nay hiệu quả hơn, thể hiện ở chỗ các địa phương linh hoạt đưa vào canh tác những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với từng khu vực, quy mô tập trung.
Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng CĐL cũng “gặt hái” được nhiều kết quả, tạo đột phá mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Để duy trì và xây dựng mới 26 CĐL với tổng diện tích 2.913,89 ha, Sở NN&PTNT phân công đơn vị chuyên môn hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, có 100% liên kết CĐL được hỗ trợ kinh phí mua giống, vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, còn có một số chuỗi liên kết được hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi giá trị. Hoạt động hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng được quan tâm thực hiện. Sản phẩm măng tây xanh của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải), HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Châu Rế (xã Phước Hải, Ninh Phước) sau khi được hỗ trợ 270.000 bao bì và nhãn mác với tổng số tiền 270 triệu đồng đã tạo được giá trị tăng thêm. Đặc biệt, nhờ làm tốt khâu xúc tiến thương mại, nên các sản phẩm đặc thù của tỉnh có thị trường tiêu thụ rộng, khắc phục tình trạng được mùa mất giá như trước đây.
Mô hình liên kết sản xuất măng tây xanh của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp
Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên. Ảnh: Tiến Mạnh
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp năm 2019 cơ bản gặp thuận lợi, chỉ có chăn nuôi nổi lên khó khăn do Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành. Nhưng với tinh thần chủ động phòng ngừa, nên tỉnh ta là tỉnh sau cùng của cả nước xuất hiện dịch ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại chăn nuôi tập trung nằm trong vùng kiểm soát an toàn. Trong hoàn cảnh đó, ngành chăn nuôi vẫn phát triển lên tầm cao mới khi mà trong năm xây dựng được 3 mô hình theo hướng liên kết, nâng tổng số chuỗi chăn nuôi trên toàn tỉnh lên 6 chuỗi (Chuỗi chăn nuôi dê, cừu vỗ béo; Chuỗi liên kết nuôi dê, cừu thịt; Chuỗi liên kiết nuôi gia cầm cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP; Chuỗi liên kết chăn nuôi vịt; Chuỗi liên kết chăn nuôi bò; Chuỗi liên kết nuôi heo đen Thuận Bắc và Bác Ái)
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: Năm 2019, ngành Nông nghiệp hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tham mưu thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và Nghị quyết số 09/2016-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Điểm sáng là sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ lượng sang chất với việc thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư trồng dưa lưới, trồng táo bao lưới. Xu hướng cơ cấu lại ngành Nông nông theo giá trị gia tăng rõ nét hơn năm 2018. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao đang dần thay thế giống lúa truyền thống; diện tích và sản lượng cây ăn quả (chủ yếu là nho và táo) tăng, đạt hơn 6.383 ha, tăng 6,5% so với năm 2018.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp năm 2019 tạo được dấu ấn tích cực. Không riêng gì chăn nuôi và trồng trọt, mà lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng có bứt phá với việc chú trọng khai thác xa bờ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ngành sản xuất con giống. Nhờ đó, mặc dù tình hình thời tiết trong năm có những khó khăn nhất định, nhưng tổng sản lượng khai thác đạt 113.528 tấn, vượt 0,2% kế hoạch, tăng 5,3%; sản xuất giống thủy sản được 33,9 tỷ con, vượt 2,7% kế hoạch, tăng 9,6% so với năm 2018. Kết quả này sẽ tạo đà cho ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 ở mức cao hơn.
Anh Tùng