Nhiều hộ chăn nuôi bị xử phạt do tái đàn trái quy định
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều kiện để tái đàn lợn là khi địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Ban đầu chỉ nên tái đàn 10%, sau 1 tháng xét nghiệm âm tính với virus dịch bệnh thì mới mở rộng quy mô.
Đề phòng dịch tả lợn châu Phi tái phát, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã đưa ra những quy định về việc tái đàn lợn. Đơn cử như tại thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã ban hành công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quản lý việc tái đàn lợn. Theo đó, đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (thôn, xã), sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm.
Các hộ chăn nuôi khi tái đàn phải đảm bảo yêu cầu: Lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát bệnh định kỳ theo qui định. Khi nhập lợn về phải nhốt riêng đàn lợn mới mua 5-7 ngày để theo dõi. Trong quá trình chăn nuôi phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người chăn nuôi ra vào vùng dịch, không đến các khu tiêu hủy lợn bệnh; không sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể...
Tuy nhiên, trước tình hình giá lợn tăng cao trong những ngày qua nhiều hộ chăn nuôi cả quy mô lớn cũng như nhỏ lẻ tại nhiều địa phương đã bỏ qua cả những quy định để tái đàn.
Trong 3 tháng qua, 16 quận, huyện của thành phố Hà Nội đã tiến hành xử phạt tái đàn không đúng quy định gần 8.000 con lợn của 196 hộ chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Hà Đông... Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm, có đến 85% là các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ - đối tượng đã nhiều lần được các cơ quan chức năng khuyến cáo không nên vào đàn vào thời điểm này.
Đã có 5 hộ bị phạt hành chính với số tiền 27 triệu đồng và bị buộc tiêu hủy lợn. Các hộ vi phạm khác đều bị lập biên bản và buộc phải ký cam kết tái đàn đúng quy định. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 đến 70 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm và có thể bị buộc phải tiêu hủy đàn lợn. Trong trường hợp có dịch xảy ra, sẽ buộc phải tiêu hủy lợn mà không không được nhà nước hỗ trợ chi trả.
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt về tái đàn lợn. Không chỉ xử phạt các hộ tái đàn khi chưa đủ điều kiện, mà ngay với các trang trại đang chăn nuôi, khi vào đàn mới mà không báo với các cơ quan quản lý cũng bị xử phạt. Những biện pháp cương quyết trên nhằm đảm bảo an toàn chăn nuôi, tránh những thiệt hại to lớn về kinh tế không chỉ cho hộ chăn nuôi mà cho cả vùng chăn nuôi.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch
Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển, hơn 60% số xã qua 30 ngày dịch không trở lại. Tuy nhiên theo Cục Chăn nuôi, vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ bùng phát dịch.
Cụ thể, đây là dịch bệnh chưa có vacxin phòng chống cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu nên không thể chủ động phòng, chống và đối phó như các bệnh, dịch khác. Trong khi đó, mầm bệnh tồn tại nhiều ở môi trường và hoạt động vận chuyển, lưu thông của con người và phương tiện có thể dễ dàng khiến cho dịch bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác. Ngoài ra, việc bán thịt tươi chưa được kiểm dịch một cách chặt chẽ tại hàng nghìn chợ truyền thống của Việt Nam hiện nay cũng là một nguy cơ có thể gây tái phát dịch...
Do đó, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông lợn thịt, giải pháp quan trọng trong thời gian tới là thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn giống... Về lâu dài, cần thực hiện chăn nuôi xa khu dân cư, chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế tối đa các dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn và phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới các trang trại lớn, có quy trình chăn nuôi an toàn, khép kín, sạch bệnh cần tiếp tục tái đàn, sản xuất con giống sạch cung cấp cho người chăn nuôi; phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm để góp phần ổn định thị trường thực phẩm, bình ổn giá thực phẩm. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gần khu dân cư, không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học thì tuyệt đối chưa vội tăng đàn, tái đàn, nhằm tránh rủi ro, thiệt hại do dịch có thể tái phát.
Chăn nuôi an toàn sinh học - giải pháp phòng dịch hiệu quả
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học đang tăng lên. Nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn ATSH với trên 2,1 triệu con thì đến năm 2018 là hơn 2.500 trang trại với trên 2,82 triệu con.
Đặc biệt, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai 9 dự án khuyến nông chăn nuôi an toàn sinh học với kinh phí 22,5 tỷ đồng. Theo đó, đã có 46 mô hình được triển khai với quy mô 164.325 con gia súc, gia cầm, với tổng số 936 hộ và 3 đơn vị quân đội tham gia. Hầu hết các chương trình, dự án đều áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP. Người chăn nuôi tham gia mô hình dự án được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp phòng dịch hiệu quả. Theo đó, phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim, ruồi... Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng,
Lợn nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Thức ăn và nước uống bảo đảm chất lượng. Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần.
Đặc biệt, người chăn nuôi cần lưu ý, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và sử dụng xe nội bộ của khu chuồng nuôi để vận chuyển. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc xử lý bằng biện pháp sinh học phù hợp.
Theo TTXVN