Ông Nguyễn Hữu Tiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết: Công ty chúng tôi quản lý trên 1.281 km đường dây trung áp; 1.133 km đường dây hạ áp và 2.705 trạm biến áp, với tổng dung lượng trên 491.000 kVA. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2019, đơn vị còn được Tổng công ty Điện lực miền Nam giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện 110 kV với 177,151 km đường dây và 5 trạm biến áp, với tổng dung lượng 230 MVA. Do địa bàn quản lý rộng, có nhiều tuyến đường dây chạy dài trong khu dân cư. Để hạn chế thấp nhất xảy ra sự cố về điện, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý vận hành, luôn tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng lưới điện, qua đó kịp thời cảnh báo cho người dân khi thực hiện xây dựng hay lắp đặt biển quảng cáo gần đường dây. Đối với các trường hợp đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản và yêu cầu ngừng thi công, hướng dẫn cho người vi phạm biết rõ trường hợp của mình bị nghiêm cấm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công ty đã phối hợp chính quyền địa phương xử lý 2 trường hợp đơn vị thi công sử dụng thiết bị vi phạm khoảng cách an toàn điện, dẫn đến sự cố lưới điện.
Nhân viên Công ty Điện lực Ninh Thuận vệ sinh trạm biến áp.
Theo kế hoạch, năm 2019, chỉ tiêu điện thương phẩm mà Tổng công ty Điện lực miền Nam giao cho Công ty Điện lực Ninh Thuận thực hiện 700 triệu kWh, tăng 10% so với năm 2018. Căn cứ vào sản lượng điện được phân bổ, Công ty Điện lực Ninh Thuận chỉ đạo cho Điện lực các huyện, thành phố giám sát tình hình phụ tải từng ngày, từng tuần để đánh giá, có biện pháp điều tiết phù hợp; đồng thời, theo dõi diễn biến của thời tiết, tình hình thủy văn trong mùa mưa để chủ động làm việc với các khách hàng phụ tải ưu tiên và khách hàng trọng điểm, khách hàng sử dụng nhiều điện để nắm bắt nhu cầu dùng điện, từ đó thống nhất phương án sử dụng điện phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị còn tăng cường phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp dân; phối hợp với các trường học, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai lắp đặt bảng pa-nô tại các khu vực trường học, đông dân cư, để hướng dẫn công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; phối hợp các đơn vị có thẩm quyền, áp dụng hình thức xử phạt hành chính, cưỡng chế đối với trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ.
Đặc biệt, để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão, đơn vị đã kiện toàn Ban Chỉ huy và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ cấp Công ty đến Điện lực các huyện, thành phố; lập phương án củng cố hệ thống thông tin liên lạc trong mùa mưa lũ; phương án cấp điện mùa mưa lũ, phương án đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng; tổ chức phát quang hành lang an toàn lưới điện; tiến hành sửa chữa, khắc phục kịp thời các lỗi kỹ thuật hệ thống đo đếm ở những vùng trũng, thấp thường bị ngập nước; trang bị đầy đủ thiết bị, các dụng cụ cần thiết, nhằm xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, đảm bảo cấp điện lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Ngoài những giải pháp kể trên, trong năm 2019, Công ty Điện lực Ninh Thuận còn bố trí kế hoạch vốn trên 122 tỷ đồng để đầu tư cải tạo 29 công trình lưới điện, gồm: Xây mới 43,2 km đường dây trung áp; cải tạo, nâng cấp 12,7 km đường dây trung áp; xây mới 66,4 km đường dây hạ áp; cải tạo, nâng cấp 69,5 km đường dây hạ áp; nâng dung lượng trạm biến áp xây dựng mới tăng thêm 13.750 kVA; dung lượng trạm biến áp cải tạo, nâng cấp tăng thêm 950 kVA. Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã hoàn tất thi công 10/29 công trình với tổng giá trị 28,95 tỷ đồng. Trong đó, đường dây trung áp xây dựng mới 10,9 km; đường dây trung áp cải tạo, nâng cấp 7,5 km; đường dây hạ áp xây dựng mới 19,1 km; đường dây hạ áp cải tạo, nâng cấp 22,2 km; dung lượng trạm biến áp xây dựng mới tăng thêm 3.550 kVA.
Trong thời gian tới, Công ty Điện lực Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo Điện lực các huyện, thành phố, các phòng chuyên môn thường xuyên tổ chức kiểm tra lưới điện, nhất là sau những cơn mưa lớn để xem xét tình hình vận hành lưới điện, chế độ dòng chảy thực tế và dự báo các khả năng sạt lở móng trụ khi xảy ra lụt bão nhằm kịp thời sửa chữa, khắc phục. Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền cảnh báo nguy hiểm về điện cho các đơn vị thi công công trình; khuyến cáo người dân không tự ý trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; không lắp đặt ăng ten thu phát sóng, bảng quảng cáo, trồng cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không; không sử dụng các phương tiện thi công có khả năng làm hư hỏng, gây ảnh hưởng đến công trình lưới điện. Để thực hiện tốt vấn đề này, ngành Điện lực rất cần có sự phối hợp vào cuộc tích cực và kiên quyết của các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân các địa phương.
Văn Thanh