Ngày 30-10 vừa qua, các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đón nhận tin vui khi Dự án Nâng công suất trạm biến áp 220kV Tháp Chàm từ 2x125 MVA lên 2x250 MVA hoàn thành. Nỗ lực của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (đơn vị chủ đầu tư) trong việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch đã giải phóng được khoảng 500 MW điện đang bị nghẽn.
Ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 18 dự án năng lượng tái tạo chính thức đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất 1.180 MW; trong đó, 15 dự án điện mặt trời, công suất 1.063 MW và 3 dự án điện gió, công suất 117 MW. Tuy nhiên, do quá tải đường truyền, 10 dự án với công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà đầu tư.
Dự án Nâng công suất trạm biến áp 220kV Tháp Chàm đã giải phóng được khoảng 500 MW điện.
Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ nay đến tháng 12-2020, công suất cần phải truyền tải từ tỉnh Ninh Thuận rất lớn (1.000-2.000 MW), dẫn tới tình trạng đa số các đường dây, trạm biến áp trên địa bàn đều quá tải, có đường dây quá tải lên đến 360%. Vì thế, để giảo tỏa hết công suất, ngoài nâng công suất Trạm biến áp Tháp Chàm, thì cần đầu tư thêm một số Trạm biến áp mới.
Giải bài toán “ứ dọng” công suất cho những dự án năng lượng tái tạo, tỉnh đã đề xuất các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ cho chủ trương xây dựng Trạm biến áp ở Ninh Phước và Trạm biến áp ở Thuận Nam và đã được chấp thuận, dự kiến khởi công và đưa vào sử dụng trong năm 2020. Hiện tại, các chủ đầu tư đang hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án đúng theo kế hoạch.
Để thực hiện đạt mục tiêu giải tỏa công suất điện là nhiệm vụ cấp bách, tỉnh đưa ra chủ trương xã hội hóa đầu tư các dự án truyền tải điện. Với cách làm linh hoạt, đến nay ngoài doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đăng ký đầu tư Trạm biến áp 230kV ở Ninh Phước, thì có doanh nghiệp tư nhân là Công ty Trung Nam đã đề xuất Dự án Đường dây truyền tải điện và Trạm biến áp 500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời 500kV ở Thuận Nam, tổng mức đầu tư khoảng 12 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng tiến độ và chuyển giao cho Truyền tải Ninh Thuận quản lý, vận hành. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tiết kiệm chi phí cho ngành điện, vừa kịp thời giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.
Nhìn chung, các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện được triển khai với tinh thần khẩn trương. Những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án giải tỏa công suất điện cũng được tỉnh chỉ đạo giải quyết một cách căn cơ. Theo đó, tỉnh đề nghị ngành chức năng, các địa phương đồng hành với doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, đảm bảo lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp và các hộ dân có đất trong diện quy hoạch dự án.
Anh Tùng