So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,54%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,95%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 0,80%; giáo dục tăng 0,13%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,67%. Nhóm bưu chính viễn thông chỉ số giá ổn định; riêng nhóm nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ số giá giảm 0,02%.
Người tiêu dùng mua sản phẩm gia dụng tại siêu thị CoopMart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, các nguyên nhân làm chỉ số CPI tháng 10- 2019 tăng là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và thị trường Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa cho xuất heo sống theo đường tiểu ngạch, làm giá thịt heo tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng giảm 2 lần vào các ngày 1-10 và ngày 16-10-2019, tính bình quân trong tháng thì chỉ số nhóm này tăng 1,96% so với tháng trước. Trong tháng 10, giá gas trong nước cũng được điều chỉnh tăng 24.000 đồng/bình 12kg, do giá gas thế giới công bố ở mức 427,5 US/tấn, tăng 72,5 USD/tấn so với tháng trước.
Tháng 10 là thời điểm giao mùa, nên nhu cầu mua sắm, may mới tăng làm cho giá một số mặt hàng như: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,54% so với tháng trước. Trong đó, mặt hàng quần áo may sẵn tăng 0,78%; mũ nón tăng 0,81%; dịch vụ may mặc tăng 0,23%. Tác động của thị trường cũng làm cho giá một số vật liệu bảo dưỡng nhà ở như gạch, ngói, sơn tường tăng 1,10%; giá nhà ở thuê tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,50%; giá nước sinh hoạt tăng 0,19%.
Do biến động theo giá vàng thế giới, nên so với tháng trước, giá vàng trong nước giảm 0,61%; hiện giá vàng 9999 đang giao động ở mức 4.150.000 đồng/chỉ. Giá đô la Mỹ tăng nhẹ, khoảng 0,04% so với tháng trước và hiện ở mức khoảng 23.180 đồng/USD. Kết quả trên góp phần đưa chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước.
Văn Thanh