Khó từ hai phía
Theo thống kê gần đây của ngành Ngân hàng (NH), trong số 90% các DNNVV đang hoạt động, chỉ khoảng hơn 30% số DNNVV tiếp cận được nguồn vốn chính thức từ các NH, số còn lại phải tiếp cận nguồn vốn phi chính thức mà trong đó có nhiều khoản từ “tín dụng đen” với lãi suất rất cao.
Lý giải tại sao các DNNVV khó có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, cho biết: DNNVV là những DN có độ rủi ro cao khi họ vừa bước chân vào thương trường, chưa có thị phần vững chắc, năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, một số DNNVV thường xử lý số liệu trước khi gửi hồ sơ vay đến NH. Chính điều này đã gây khó khăn cho các NH trong việc sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Ngoài ra, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay và trả nợ NH.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: VM
Đáng chú ý, công tác cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ DN tại một số địa phương hiệu quả chưa cao, phần nào cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay NH của DN; công tác xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi khách hàng không trả được nợ còn gặp nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn bất cập dẫn đến tâm lý thận trọng hơn trong cho vay của các TCTD.
Ở góc độ khác, hầu hết các DNNVV trên địa bàn tỉnh đều cho rằng lý do ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn NH là do DNNVV không có tài sản thế chấp. Đơn cử như tại Công ty TNHH Linh Đan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc công ty, có được những kết quả kinh doanh như vậy không thể không nhắc tới sự hỗ trợ đắc lực của các NH trong việc kết nối, cấp vốn vay để DN có cơ hội vượt khó, vươn lên phát triển. Tuy nhiên, với mục tiêu mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng Công ty TNHH Linh Đan trở thành DN KH&CN, một trong những khó khăn hiện nay của DN khi tiếp cận nguồn vốn NH đó là tài sản thế chấp. Có một thực trạng phổ biến lâu nay, đó là DN cần nhiều tài sản để thế chấp bởi NH định giá tài sản rất thấp so với giá trị thực tế. Ví dụ, tài sản theo giá thị trường khoảng 300 - 400 triệu đồng thì NH chỉ định giá 100 triệu đồng. Tài sản là đất nông nghiệp hoặc đất thuê trong khu công nghiệp nhiều chục năm có giá trị cao nhưng NH thẩm định giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế hoặc không nhận thế chấp…
Chung tay giải quyết
Trước thực tế trên, thời gian qua, NHNN tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là DNNVV. Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp là một trong những chương trình hiệu quả để tháo gỡ nút thắt về vốn vay cho DNNVV hiện nay. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, các NH thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải ngân đối với 16 hồ sơ vay vốn cho các DNNVV được ký kết tại hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với tổng số tiền cho vay là 31 tỷ đồng (bằng 93,5% số tiền cam kết cho vay). Mức lãi suất cho vay trong chương trình kết nối được áp dụng thấp hơn mức lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm đã giúp DNNVV giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của DNNVV. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố hỗ trợ lãi suất cho DNNVV, nhiều TCTD trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN hiệu quả như: đồng hành, tư vấn cho DN trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh; cung cấp các sản phẩm dịch vụ tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, kết nối khách hàng tiềm năng…
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực được ngành Ngân hàng ưu tiên cho vay vốn.
Ông Phạm Gia Khương, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Ninh Thuận khẳng định, nguồn vốn ngân hàng của Agribank luôn sẵn sàng, đã và đang cung ứng nhiều gói vay ưu đãi với hồ sơ đơn giản, thời gian xử lý nhanh, các phương án vay và trả nợ linh hoạt cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, NH đang có các chương trình cho vay ưu đãi hưởng lãi suất thấp để tích cực hỗ trợ DN chạy nước rút ở mùa kinh doanh quan trọng và chuẩn bị các đơn hàng vào cuối năm. Đối với DN sản xuất quy mô nhỏ, siêu nhỏ, chỉ cần chứng minh doanh thu ban đầu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh với triển vọng thị trường khả thi, thì NH sẽ “ưu ái” hơn và thậm chí sẵn sàng tư vấn quản lý dòng tiền, tài chính hiệu quả cho các DN đó. NH chỉ kiểm soát hạn chế tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao.
Theo ông Hồ Chu Vân, với việc xác định DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, hiện tại, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. Để đồng vốn lan toả rộng hơn, đi sâu vào nền kinh tế, song song với các chương trình tín dụng thương mại, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ DN tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao…Ngoài ra, hệ thống NH trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, công khai các thủ tục giao dịch với khách hàng, cắt giảm các khoản phí, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DNNVV; phối hợp chính quyền địa phương nhận diện những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Xuân Nguyên