Nổi bật, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp vận động hàng ngàn hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu; xây dựng, nhân rộng các mô hình “1 phải, 5 giảm”, “cánh đồng lớn” trên cây lúa với diện tích hơn 9.500 ha; chuyển đổi trên 1.500 ha sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng chịu hạn, năng suất cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây nho, táo, măng tay xanh, nha đam,... Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, với nhiều cách làm hiệu quả như xoay vòng vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình hơn 48,5 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn không lấy lãi trên 3,8 tỷ đồng; giúp nhau vần đổi trên 27.956 lượt ngày công lao động.... Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đóng góp trên 49 tỷ đồng, hiến hơn 20.000 m2 đất và hàng trăm nghìn mét khối đất, đá, vật tư các loại để tham gia bê tông 1.098 km kênh mương nội đồng, làm 5 cây cầu dân sinh qua suối, 52 km đường giao thông nông thôn, xây mới 134 m2 phòng học, sửa chữa 3 trường học, tường rào, nhà vệ sinh, nâng cấp 8 công trình nhà văn hoá, 1 trạm y tế; lắp đặt trên 2.000 bóng đèn chiếu sáng ở các khu dân cư và hơn 1,2 km đường dây điện hạ áp phục vụ sản xuất.
Nhờ làm tốt công tác mặt trận góp phần xây dựng xã Xuân Hải (Ninh Hải) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2014 - 2019, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động được hơn 61,6 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa 1.021 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với số tiền trên 30,7 tỷ đồng; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho hàng ngàn hộ nghèo xây dựng và sửa chữa nhà ở, mua sắm phương tiện sản xuất...với tổng trị giá trên 60 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp giới thiệu, phân công các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, giúp đỡ trên 1.200 hộ nghèo về vốn, phương tiện, điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Điểm nổi bật là qua 3 năm triển khai thực Đề án “Hỗ trợ đồng bào huyện Bác Ái giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 và các chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản giúp đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động, tiếp nhận 19 tỷ đồng, hỗ trợ 1.000 con bò cái giống cho 750 hộ nghèo; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, giúp các hộ đồng bào dân tộc Raglai nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp vận động nhân dân tham gia xây dựng, nhân rộng 129 mô hình tự quản trên các lĩnh vục kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, giữa gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông...tại 867 điểm dân cư trong tỉnh. Điển hình như mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước; “Trồng cây xanh ở khu dân cư”, “Sử dụng hố xí hợp vệ sinh”, “Xây dựng chuồng trại nhốt gia súc” của đồng bào dân tộc Raglai huyện Bác Ái; “Xứ đạo bình yên” trong vùng đồng bào công giáo huyện Ninh Sơn, Ninh Hải; hay các mô hình “Xã đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Thắp sáng đường quê”, “Dòng họ khuyến học”, Tự quản về an toàn giao thông”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Tộc họ tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông”... được các cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao.
Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả trên đây đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Lâm