ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI ĐÔNG Y TỈNH NINH THUẬN LẦN THỨ VI, NHIỆM KỲ 2019-2024

Xây dựng Hội Đông y tỉnh vững mạnh về chính trị tư tưởng, giỏi trong chuyên môn học thuật

Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Trung ương Hội Đông y Việt Nam; sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt sự đoàn kết, nỗ lực, trách nhiệm của cán bộ, hội viên (CBHV), Hội Đông y tỉnh đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Hội Đông y tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2014-2019 đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Hội Đông y tỉnh hiện có 2.170 HV, có nhiều thầy thuốc, lương y tay nghề vững vàng, chữa bệnh có uy tín. Hệ thống các phòng chẩn trị đông y chữa bệnh miễn phí cho người nghèo hoạt động có hiệu quả và đang được các cấp hội chú trọng phát triển. Về thuốc nam, đồng bào Chăm và đồng bào Raglai có nhiều bài thuốc hay và những kinh nghiệm chữa bệnh độc đáo. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch tạo điều kiện cho Hội Đông y hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là Chỉ thị số 24/2008-CT/TW và Kết luận 154/2014-BBT của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới”, đây chính là những định hướng, nền tảng để các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các cấp hội hoạt động hiệu quả.

Hội Đông y tỉnh phối hợp tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã Ma Nới (Ninh Sơn). Ảnh: U.T

Ngoài công tác giáo dục chính trị, tự tưởng, củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, những năm qua, Hội Đông y chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung các giải pháp thực hiện tốt công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, kế thừa y học cổ truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể hóa các nhiệm vụ này, các cấp hội thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức hội nghị thừa kế để CBHV tham gia cống hiến nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý chữa bệnh; cung cấp, phổ biến các bài thuốc, phương pháp điều trị hay để CBHV học tập, ứng dụng hiệu quả vào điều trị, góp phần kế thừa, bảo tồn, phát huy được vốn quý y học cổ truyền của dân tộc. Nhằm bảo tồn, phát triển các loại cây thuốc quý đang có xu thế ngày càng cạn kiệt, các cấp hội vận động CBHV, các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị trồng vườn thuốc nam; phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn cho người dân kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, trồng, sử dụng các loại cây rau, cây cảnh, cây ăn quả, cây thuốc các tác dụng phòng và chữa bệnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển cho biết thêm: Điều đáng ghi nhận là mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, đội ngũ CBHV luôn nêu cao tinh thần y đức, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, say mê với nghề tìm tòi phương pháp điều trị y học tiến bộ, các bài thuốc, cây thuốc quý nâng cao chất lượng khám điều trị.

Các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng phát triển, nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 129 cơ sở khám, chữa bệnh Đông y. Nhiều tổ chức hội cơ sở tích cực phối hợp với các Trạm y tế áp dụng phương pháp điều trị y học cổ truyền, đông- tây y kết hợp, chất lượng điều trị ngày càng được nâng lên, tạo niềm tin cho người dân. Một số bệnh mãn tính đã được chữa trị có hiệu quả tốt như: Bệnh về cơ, xương, khớp, viêm dây thần kinh, di chứng tai biến mạch máu não, phong độc, cao huyết áp, tiểu đường, suy nhược... Ngoài ra, các cấp hội còn tham gia với các cơ sở y tế, Hội Chữ thập đỏ các cấp triển khai một số biện pháp phòng chống dịch bệnh, sơ cấp cứu của địa phương, đơn vị. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị cũng không ngừng tăng lên. Nhiệm kỳ qua, toàn hội đã điều trị cho gần 900.000 lượt người, vượt 37% kế hoạch, với tổng chi phí trên 178 tỷ đồng.

Cán bộ y tế Bệnh viện Y dược cổ truyền Ninh Thuận chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác xã hội, nhân đạo được các cấp hội quan tâm đẩy mạnh. Các cấp Hội đã phối kết hợp với các đơn vị y tế, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Người cao tuổi, Giáo hội Phật giáo, Giáo hội Thiên chúa giáo, các đoàn từ thiện... tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, gia đình có công với cách mạng; luyện tập dưỡng sinh, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi... cho gần 146.000 lượt người, tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, tăng 62% so với nhiệm kỳ trước.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, trong nhiệm kỳ tới, các cấp hội đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục y đức, nâng cao nhận thức, vận động CBHV thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam, kết hợp Đông - Tây y, xây dựng nền Y học Việt Nam khoa học, dân tộc và hiện đại; đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng, thừa kế và hiện đại hóa Y học cổ truyền. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng các mặt công tác; tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo... để đạt mục tiêu: Xây dựng hội thực sự là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức quản lý, giỏi trong chuyên môn học thuật, có vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội của thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Phấn đấu 100% CB, 80% HV tham gia học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, thông tư của Bộ Y tế và Hội Đông y Việt Nam. Hằng năm, phát triển 3% HV mới; cấp thẻ cho 80% HV; 100% huyện, thành hội xếp loại vững mạnh và khá; 70% Hội cơ sở vững mạnh và khá. Khám chữa bệnh bằng đông y trên 150.000 lượt người/năm; khám chữa bệnh miễn phí cho trên 25.000 lượt đối tượng chính sách, người nghèo/năm. Vận động HV, người dân mỗi gia đình trồng từ 10-20 loại cây kết hợp: Cây rau - cây cảnh- cây ăn quả - cây thuốc…