Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 41 ca mắc bệnh SXH, trong đó, xã Bắc Phong nhiều nhất với 20 ca, các xã: Bắc Sơn 10 ca, Công Hải 7 ca và Lợi Hải 4 ca, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 34 ca. Theo bác sĩ Dương Tấn Khoán, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, nguyên nhân số ca mắc bệnh tăng là do ý thức của người dân về bệnh SXH chưa cao, môi trường xung quanh ẩm thấp, nước đọng, dẫn đến muỗi sinh sản nhiều; bà con không có thói quen ngủ màn ban ngày… Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 12 đợt phun hóa chất xử lý ổ dịch nhỏ tại các thôn Gò Sạn (6 đợt) thôn Mỹ Nhơn (2 đợt) thôn Bình Nghĩa (2 đợt) thôn Xóm Đèn (2 đợt) với hơn 1.000 lượt hộ dân.
Một điều đáng ghi nhận là địa phương đã phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch nhỏ, không để phát sinh tại các thôn Gò Sạn (xã Bắc Phong), Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn), Xóm Đèn (xã Công Hải). Mới đây, tại thôn Gò Sạn xuất hiện 2 ca bệnh SXH trong 1 tuần, hai trường hợp này là chị Trần Thị Tâm (37 tuổi) và em Bùi Đức Sử (8 tuổi). Ngay khi phát hiện, Trung tâm Y tế huyện đã kịp thời xử lý, tổ chức phun hoá chất diệt muỗi và bọ gậy tại gia đình bệnh nhân và các hộ trong vòng bán kính từ nhà bệnh nhân 200m, nhanh chóng đưa 2 trường hợp mắc bệnh nhập viện. Đến nay, các bệnh nhân đã xuất viện, tình hình dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời, ổn định. Song song đó, Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với UBND xã thông báo trên loa, đài truyền thanh các biện pháp phòng chống bệnh SXH, vận động bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, đậy nắp các thùng nước sử dụng, …
Vì là địa phương xuất hiện ổ dịch nhỏ và có nhiều ca mắc bệnh nhất trong huyện, nên UBND xã Bắc Phong đã tăng cường tuyên truyền về bệnh SXH trên hệ thống loa đài các thôn, từ đó nhận thức phòng bệnh SXH của người dân được nâng cao. Bà Dương Thị Xuân (thôn Gò Sạn) chia sẻ: Từ khi biết tại thôn xảy ra ổ dịch nhỏ, gia đình tôi cũng lo lắng, nhưng đã xử lý kịp thời nên yên tâm hơn. Được cán bộ y tế, lãnh đạo xã hướng dẫn các biện pháp phòng chống, gia đình tôi cũng làm theo. Nhà tôi luôn dọn dẹp vệ sinh, không để nước đọng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, nhắc nhở người trong nhà mặc áo dài tay để phòng tránh muỗi đốt.
Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa, các vùng trũng, đọng nước, nước ngập là nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản, ngành Y tế cùng với chính quyền địa phương đã có những biện pháp cần thiết trong công tác phòng chống bệnh. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con dọn dẹp vệ sinh, diệt lăng quăng, diệt muỗi; khơi thông cống rãnh, không để nước đọng làm nơi muỗi sinh sản; những khu vực gần khu bãi rác như thôn Kiền Kiền (xã Lợi Hải), Láng Me (xã Bắc Sơn); vùng đọng nước thôn Gò Sạn, Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong) người dân cần đậy nắp đồ dùng chứa nước cẩn thận, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm; khuyến cáo người dân mặc áo tay dài, ngủ màn ban ngày đề phòng muỗi đốt. Các đơn vị liên quan, địa phương thường xuyên giám sát, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh SXH phải đưa ngay đến cơ sở y tế để chữa trị, kịp thời xử lý ổ dịch không để dịch bệnh lây lan, bùng phát…
Minh Khai