Đồng chí Châu Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Ngay từ những ngày đầu bắt tay triển khai xây dựng NTM, trên cơ sở tiếp nhận các văn bản hướng dẫn của cấp trên, sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, xã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm thực hiện từng tiêu chí theo từng giai đoạn, lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, thông qua các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”… đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, cùng chung tay, góp sức thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã.
Công trình “Tuyến đường thanh niên kiểu mẫu” vừa hoàn thành, tạo diện mạo mới cho nông thôn Phước Ninh.
Toàn xã hiện có gần 1.300 hộ dân sinh sống, trong đó, dân tộc Chăm chiếm 80% dân số. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, mặc dù không phải là vùng đất màu mỡ và thường xuyên phải chịu tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên với quyết tâm khắc phục khó khăn, nhiều diện tích sản xuất vẫn được duy trì và phát triển ổn định. Tận dụng nguồn nước tưới từ hệ thống hồ Tân Giang, ngoài việc canh tác 500 ha lúa 2 vụ/năm (trong đó, có 143 ha lúa thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn), gần đây nông dân còn liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố trồng 30 ha lúa giống, cho thu nhập cao hơn so với lúa thương phẩm. Trên địa bàn cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung với những cây trồng chủ lực như táo, ớt, hành lá, măng tây xanh, với diện tích trên 100 ha. Đáng chú ý hơn, để tránh tình trạng bỏ hoang đất, hàng chục ha đất không chủ động nước, vùng gò đồi được nông dân chuyển sang trồng bắp và đậu xanh, phát triển khá tốt trong điều kiện nắng hạn. Việc phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc cũng được địa phương quan tâm đẩy mạnh, nhiều nông hộ áp dụng hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản, dê, cừu vỗ béo kết hợp trồng cỏ…
Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, địa phương còn huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, đã có 5,6 km đường giao thông nông thôn được bê -tông, trên 70% đường nội đồng, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, Trạm Y tế, chợ nông thôn… được quan tâm đầu tư hoàn chỉnh; tỷ lệ sử dụng lưới điện quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%... Ông Châu Văn Tứ, thôn Hiếu Thiện, phấn khởi cho biết: Thành quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo cho diện mạo quê hương Phước Ninh ngày càng thay da đổi thịt rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, tôi tích cực vận động bà con tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng xã đạt chuẩn NTM.
Hiện nay, xã Phước Ninh đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, trường học, thu nhập, hộ nghèo và hệ thống chính trị. Chia sẻ về giải pháp để hoàn thành các mục tiêu còn lại, đồng chí Châu Văn Kỳ, cho biết thêm: Đối với tiêu chí giao thông, toàn xã còn 4 tuyến đường, chiều dài 991m chưa được bê tông, hiện đã hoàn thành hồ sơ thiết kế và được huyện phê duyệt chủ trương đầu tư; về trường học, xã đang tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh hoàn thành việc xây mới 8 phòng học của Trường THCS Võ Văn Kiệt và 4 phòng học của Trường TH Hiếu Thiện. Về tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, giải pháp căn cơ được xã xác định là tổ chức lại hình thức sản xuất phù hợp, vận động nông dân tham gia, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; giải quyết việc làm cho người lao động. Phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Đối với tiêu chí hệ thống chính trị, từ nay đến cuối năm, xã tiếp tục rà soát trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, có kế hoạch bồi dưỡng về lý luận chính trị, phấn đấu xây dựng tổ chức chính trị-xã hội của xã đạt từ khá trở lên.
Hồng Lâm