Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, số trường hợp mắc SXH đã tăng mạnh so với cùng kỳ với khoảng 71.000 ca mắc bệnh, trong đó tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã có gần 50.000 ca mắc và 6 trường hợp tử vong

71.000 trường hợp mắc bệnh trong 6 tháng

Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 71.000 trường hợp mắc SXH, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018 và đã có rất nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng của SXH và đã có trường hợp tử vong.

Tại khu vực phía Nam, từ đầu năm đến nay đã có gần 50.000 người mắc bệnh SXH (kể cả số ca mắc SXH ở trẻ em), cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và tính đến nay đã có 6 trường hợp tử vong. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất với 24.768 ca, tăng 176% so với kỳ năm ngoái (8.959 ca); Bình Phước ghi nhận hơn 1.700 ca, tăng 142%; An Giang ghi nhận trên 1.900 ca, tăng 28%; Đắk Lắk, ghi nhận hơn 3.200 ca, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2018...

Tại phía Bắc, dịch SXH cũng đang diễn biến rất phức tạp, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. Kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh SXH tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây.

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 820 trường hợp xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh ở vào các cấp độ khác nhau của SXH. Chỉ riêng trong tuần đầu tháng 7-2019, trên địa bàn đã ghi nhận 178 trường hợp mắc SXH. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 998 trường hợp mắc SXH Dengue, chưa có tử vong.

Theo các dự báo, dịch SXH đang có dấu hiệu tăng nhanh, nếu không khống chế kịp thời thì bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh. Nguyên nhân, theo các chuyên gia y tế là do, thời điểm này bắt đầu mùa mưa, là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, truyền bệnh SXH. Cùng với đó, sự chủ quan trong phòng chống bệnh, tình trạng người lao động di cư từ vùng xảy ra bệnh SXH, tay chân miệng tăng cao đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, lây lan nhanh cộng đồng.

Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống

Tại Hà Nội, trước nguy cơ bùng phát dịch SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã triển khai các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véctơ và côn trùng truyền bệnh, vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch; công tác xử lý ổ dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và các Trung tâm Y tế quận, huyện xác dịnh các trọng điểm nguy cơ bùng phát dịch SXH để tham mưu cho UBND các cấp các biện pháp kiểm soát dịch cụ thể, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Ngành Y tế thành phố cũng đề nghị các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng hành động để xử lý triệt để các nguy cơ SXH trong cộng đồng; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương…

Đối với người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành Y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về SXH để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này. Trên thực tế, số ca mắc bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng, nguyên nhân một phần là do người dân chưa hoàn toàn tuân thủ về nguyên tắc phòng ngừa bệnh SXH hoặc chưa thật sự phân biệt được triệu chứng bệnh SXH với các bệnh khác, như: sốt thông thường, sốt phát ban và sốt vi rút.

Để phòng bệnh, người dân thực hiện các biện pháp sau: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy (bằng cách thường xuyên cọ rửa, thả cá vào dụng cụ chứa nước); lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải và các hốc nước tự nhiên (như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...) không cho muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch...

Các dấu hiệu của bệnh SXH

Bệnh SXH được chia thành ba loại: SXH thể nhẹ, SXH có chảy máu và SXH dengue (hội chứng sốc dengue). Những dấu hiệu ban đầu của SXH cũng tùy thuộc vào từng thể bệnh.

- SXH thể nhẹ: Thể nhẹ của bệnh SXH xuất hiện ở những người lần đầu tiên mắc vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Theo đó, người bệnh thường bắt đầu với dấu hiệu sốt và thường kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ thời điểm bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài sốt, còn có các triệu chứng như: đau cơ khớp, đau đầu, đau bất thường trong hốc mắt, uồn nôn, ói mửa, phát ban da.

Thông thường, các ban SXH trên da có thể xuất hiện trên cơ thể từ 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt, rồi thuyên giảm sau chừng 1-2 ngày. Bệnh nhân có thể bị nổi ban lại một lần nữa trong các ngày sau đó.

- Sốt xuất huyết có chảy máu

Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng kể trên của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ kèm theo tình trạng tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết. Hậu quả gây ra chảy máu cam, chảy máu ở nướu răng hoặc xuất huyết dưới da, gây ra các vết bầm tím. Thể bệnh này có khả năng dẫn đến tử vong.

- SXH Dengue (hội chứng sốc Dengue): Thể bệnh này được xem là dạng nặng nhất của bệnh SXH, bao gồm tất cả các biểu hiện SXH thể nhẹ, kèm theo các triệu chứng chảy máu và bao gồm cả hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, gây chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, khả năng dẫn đến sốc.

Hội chứng sốc Dengue thường xảy ra trong những lần mắc bệnh sau, khi bệnh nhân đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh trước đó) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang con) đối với một loại kháng nguyên vi rút gây bệnh. Đối với dạng này, biểu hiện SXH thường diễn biến nặng đột ngột sau 2-5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Người bệnh luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, rã rời, bứt rứt, tiểu ít, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (đây là biểu hiện của trụy mạch).

Triệu chứng cuối cùng và nguy hiểm nhất đối với nhiễm SXH thể nặng là tình trạng sốc, thường xuất hiện vào ngày thứ 3-6 của chu kỳ bệnh. Bệnh nhân bị sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Hội chứng sốc Dengue có nguy cơ gây ra tử vong, đặc biệt với đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.

Khi nhận thấy có bất cứ dấu hiệu hay biểu hiện nào nghi ngờ SXH, bệnh nhân cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.

Theo TTXVN