Khai thác tiềm năng điện mặt trời áp mái

Trong điều kiện khó khăn, chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, việc phát triển các công trình điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực nguồn cung và phát huy hiệu quả về năng lượng cho vùng đất nắng Ninh Thuận.

Là địa phương nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, tỷ lệ bức xạ trực tiếp trung bình luôn cao hơn 4. 5kWh/m2 kết hợp số giờ nắng trung bình hơn 7,5 giờ/ngày (lượng giờ nắng trong năm đạt hơn 2.837 giờ), Ninh Thuận có điều kiện khá thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời. Cùng với các ưu điểm của điện mặt trời mang lại, là nguồn năng lượng tái tạo, chi phí vận hành, bảo trì thấp, thân thiện môi trường, điện mặt trời áp mái giúp tiết kiệm chi phí do không phải sử dụng nguồn điện lưới và có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện; tận dụng hoặc có thể kết hợp sử dụng mái của các kết cấu nhà ở, nhà xưởng, công trình công cộng sẵn có để lắp đặt nên không yêu cầu sử dụng thêm đất góp phần cải thiện điện áp lưới cuối nguồn phụ tải.

Lắp đặt điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình.

Theo Sở Công Thương, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và công tơ hai chiều trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực ban đầu. Hiện nay, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã lắp đặt trên 30 dự án cho khách hàng, với tổng sản lượng điện phát trên lưới 107.132kWh; trong đó điện sinh hoạt 14.872kWh và ngoài sinh hoạt 92.260kWh. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị như: Công ty Điện lực tỉnh đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất 100,13kWp, sản lượng phát lên lưới khoảng 62.620kWh, Sở Công Thương lắp đặt 5kWp, sản lượng điện phát hàng tháng đạt 750kWh…

Theo Công ty Điện lực tỉnh, đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng có công suất nhỏ hơn 1 MWp, có đấu nối vào lưới điện của ngành điện, chủ đầu tư không cần thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện và thực hiện đăng ký bán điện cho EVN. Đối với các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất lớn hơn 1 MWp, chủ đầu tư mới cần phải thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời và thủ tục cấp phép hoạt động điện lực theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Tiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết: Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, cũng như cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã có Thông tư hướng dẫn về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Từ những quy định, hướng dẫn, ngành điện luôn tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện từ thủ tục khi đăng ký đấu nối cho đến thanh toán được thực hiện. Theo đó, dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện theo cơ chế mua bán theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ đo đếm 2 chiều và ký hợp đổng mua bán điện với chủ đầu tư, tiền điện sẽ được thanh toán hàng tháng. Giá mua điện ở thời điểm hiện tại 2.134 đồng /kwh và kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện được xác định theo từng năm và được tính tương đương mức 9,35 Uscents/kwh. Hiện nay, do xu hướng giá điện tiêu dùng ngày càng cao nên việc đầu tư điện mặt trời áp mái đang được nhiều khách hàng quan tâm, với thời gian thu hồi hoàn vốn từ 5-7 năm, tùy theo lựa chọn quy mô, công nghệ.

Để khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà trong thời gian tới, Công ty Điện lực Ninh Thuận tiếp tục triển khai các chương trình vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, hướng đến việc sử dụng điện mặt trời áp mái; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.