Trước đây, chợ Lợi Hải phục vụ mua sắm cho người dân các xã Lợi Hải, Phước Kháng xuống cấp, mùa mưa thường hay ngập nước, lầy lội gây khó khăn trong việc giao thương của người dân. Trước tình hình đó, huyện đã xây dựng chợ trung tâm huyện Thuận Bắc, do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản Phú Thịnh làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 8,3 tỷ đồng. Chợ được xây dựng trên diện tích 5.620,3m2, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, có diện tích sử dụng 4.981,8 m2, xây dựng theo mô hình chợ truyền thống hạng 3, với quy mô 100 điểm kinh doanh, có đầy đủ các công trình phụ trợ như: Nhà vệ sinh, bãi đậu xe, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và xử lý nước thải. Chợ trung tâm hoàn thành đưa vào sử dụng, đem lại niềm vui lớn cho tiểu thương và người dân. Chị Jeắk Thị Lớ, thôn Bà Râu 2, chia sẻ: Chợ mới xây rất lớn, sạch sẽ, mùa mưa không lầy lội như trước kia. Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi tại địa phương có ngôi chợ khang trang. Không chỉ người tiêu dùng, chợ mới cũng là niềm mong mỏi với các tiểu thương bấy lâu nay.
Người dân Thuận Bắc mua sắm tại khu chợ mới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến nay chợ trung tâm huyện vẫn chưa thực sự thu hút nhiều tiểu thương và khách hàng. Chợ có hơn 100 gian hàng, trong đó số gian đang được thuê sử dụng chỉ có 60 gian, còn nhiều gian hàng, ki-ốt bỏ trống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân được nhiều tiểu thương phản ánh là do giá thuê cao, 8,3 triệu đồng/ki-ôt/2 năm, so với mức sống ở vùng nông thôn thì giá vẫn còn cao, trong khi đó, bà con địa phương chủ yếu là đồng bào Raglai, kinh tế còn nhiều khó khăn. Thêm nữa, người dân chưa quen với địa điểm chợ mới, có một số tiểu thương vẫn bày bán tại chợ cũ khiến cho người dân không tới chợ mới. Chị Tăng Thị Thơm, Trưởng Ban quản lý chợ trung tâm huyện cho biết: “Chợ mới được xây dựng khang trang, rộng rãi, sạch sẽ, có lắp đặt camera an ninh nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại chợ. Tuy vậy, do có 1 số người bán tại chợ cũ nên lượng người tiêu dùng vào chợ mua sắm không được nhiều. Ban quản lý chợ đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân không buôn bán, tụ tập tại chợ cũ nhưng chỉ được 1 thời gian ngắn thì tái diễn.
Chợ mới là nhu cầu thiết yếu, để đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ trên địa bàn huyện. Để tránh tình trạng chợ mới xây dựng lãng phí và gây thất thu cho địa phương, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tích cực vận động các tiểu thương và người dân không kinh doanh ngoài chợ.
Minh Khai