Theo Quyết định, Bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Ninh Thuận gồm 6 tiêu chí, chia theo 3 nhóm, cụ thể: Nhóm tiêu chí về kinh tế (3 tiêu chí) gồm: Quy mô sản xuất, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; Có lợi thế về sản xuất, lợi thế về cạnh tranh trên thị trường, khả năng mang lại giá trị gia tăng cao; Có tiềm năng phát triển, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển sản xuất của ngành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Nho là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Tiêu chuẩn về xã hội (2 tiêu chí): Có nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia; Có khả năng thu hút đầu tư liên kết sản xuất để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, thu hút lực lượng lao động, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo.
Tiêu chí về môi trường (1 tiêu chí): An toàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được công nhận gồm: Nho, táo, măng tây xanh, cừu, dê và tôm giống (tôm sú và tôm thẻ chân trắng).
Bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn và phê duyệt danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Ninh Thuận làm căn cứ để xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ.
B.H