Thực trạng hoạt động xuất khẩu
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của tỉnh ta những năm gần đây cho thấy, giá trị kim ngạch tăng hàng năm chủ yếu dựa vào 2 mặt hàng chủ lực, đó là nhân điều và thủy sản. Trong đó, hoạt động xuất khẩu nhân điều tương đối ổn định, với các DN chủ lực như: Công ty TNHH Phú Thủy, Công ty TNHH Trường Lợi Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát, Công ty TNHH Hoàng Bảo Tường, Công ty TNHH Long Sơn BLB. Trong năm 2018, các DN này đã đóng góp đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nhân điều đạt 41 triệu USD, tăng 0,2%; riêng trong quý I năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 7,1 triệu USD, tăng 32,47% so với cùng kỳ. Đối với mặt hàng thủy sản, hiện có 2 DN là Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Ná tham gia xuất khẩu, nhưng cũng chỉ thuần túy là tôm đông lạnh và tôm ăn liền chứ chưa có thêm mặt hàng nào mới. Chính vì vậy, trong quý I năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt 4 triệu USD, giảm 49,42% so với cùng kỳ.
Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận
phân loại mặt hàng tôm xuất khẩu. Ảnh: Hữu Phương
Theo Sở Công Thương, ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực kể trên, hiện nay một số mặt hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ... của các DN như: Công ty Dệt may Quảng Phú, Chi nhánh Công ty TNHH thời trang Hoa In, Công ty TNHH Bằng Giới – Việt Nam... cũng đã xuất khẩu sang được các nước Nhật Bản, Đài Loan, nhưng do không thường xuyên, chưa phát huy được năng lực tương ứng và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, do vậy trong 3 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt rất thấp. Trong đó, hàng dệt may ước đạt 1,8 triệu USD; sản phẩm mây tre ước đạt 0,02 triệu USD, giảm 22% so cùng kỳ... Kết quả trên đã tác động đưa kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh trong quý I năm 2019 chỉ đạt 12,922 triệu USD, giảm 6,24% so cùng kỳ và đạt 12,92% kế hoạch năm.
Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Các rủi ro mà DN xuất khẩu tỉnh ta phải đối mặt xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do các DN có quy mô sản xuất nhỏ, chưa chủ động đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa mới, vì vậy khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nguyên nhân không kém phần quan trọng khác, đó là lâu nay các DN trong tỉnh chưa thoát khỏi vòng “luẩn quẩn” trong hệ thống dây chuyền gia công sản phẩm thô hoặc gia công lại cho một số tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu trong vài năm gần đây có nhiều biến động bất lợi từ bên ngoài, như tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng... Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu mới làm nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, định hướng, chưa đề ra được giải pháp, cơ chế thực sự hiệu quả để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời khó khăn cho DN, nên thị trường xuất khẩu hàng hóa ngày bị thu hẹp, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu đạt thấp.
Gỡ khó, tạo động lực đưa xuất khẩu phát triển
Mục tiêu tỉnh ta đề ra trong năm 2019 đó là phấn đấu đưa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 90 triệu USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Để hoàn thành chỉ tiêu này, tỉnh khuyến khích DN tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh như: Chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, muối, đá granite... Đặc biệt, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu phát triển, trung tuần tháng 4 vừa qua đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình và các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2019.
Công nhân Cổ phần Muối Ninh Thuận thu hoạch muối đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, thách thức cần tháo gỡ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng như: Sở Công Thương, Chi cục Hải quan và Cục Thuế tỉnh khẩn trương xây dựng cơ chế phối hợp, có đánh giá cụ thể tình hình DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh để kịp thời có chính sách hỗ trợ, nhất là các giải pháp hỗ trợ về thủ tục hành chính, về hải quan, thuế; xây dựng thương hiệu tham gia thị trường xuất khẩu; mở rộng vùng nguyên liệu… Bám sát tinh thần trên, hiện ngành Công Thương đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh đề án phát triển xuất khẩu theo hướng khai thác các thế mạnh của địa phương để đầu tư nhiều hơn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng chế biến, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các mặt hàng nông lâm, thủy sản. Quan tâm vận động DN cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tìm kiếm thị trường, cách thức quản lý, điều hành hiệu quả nhất. Trước mắt, xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội nghị về Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu tỉnh Ninh Thuận năm 2019 theo Kế hoạch số 821/KH-UBND ngày 7-3-2019 của UBND tỉnh.
Năm 2019 là năm có nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu, bởi từ ngày 14-1-2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam. Theo đó, hàng nghìn dòng thuế được xóa bỏ với hàng xuất khẩu, trong đó đáng lưu ý là hàng dệt may được giảm thuế từ 4,8% hiện tại xuống o% khi xuất khẩu sang Nhật Bản và các mặt hàng thủy sản, hạt điều sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất sang Canada và Nhật Bản ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Để chủ động khai thác có hiệu quả lợi thế này, ngành Công Thương xác định trước hết phải tăng cường các hoạt động thông tin tuyền truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN; hiệp định thương mại tự do; cơ hội và thách thức đối với các nhóm ngành hàng cụ thể, các nhóm DN cụ thể trong việc thực hiện các cam kết hội nhập, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Cùng với đó, ngành sẽ hỗ trợ DN nâng cao chất lượng hoạt động, tuân thủ nghiêm yêu cầu về công nghệ, quy trình sản xuất, chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược thị trường phù hợp với lộ trình hội nhập theo hướng giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm; tiếp cận phương thức kinh doanh mới, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, marketing điện tử... Tất cả không nằm ngoài mục tiêu cùng nhau gắn kết để đưa ra những đề xuất, giải pháp, tạo đột phá đưa xuất khẩu của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững theo tinh thần Nghị quyết mà Tỉnh ủy đã đề ra.
Văn Thanh