Niềm vui đối với người dân vùng hạ lưu Đập dâng Tân Mỹ khi công trình đường ống chính đã dẫn nước ngọt về bổ sung hồ Cho Mo, phục vụ tưới cho cả vùng sản xuất rộng lớn xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và xã Phước Trung (Bác Ái). Có mặt trên công trường, chúng tôi nhận thấy rộn ràng những âm thanh của máy xúc, máy trộn bê tông, xe tải… Từ khi khởi công xây dựng, các đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, máy móc, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt trên công trường để giám sát chất lượng, tiến độ triển khai từng hạng mục. Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng mức đầu tư 7.245 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần chính. Công trình đầu mối sông Cái, tại xã Phước Hòa (Bác Ái) có dung tích thiết kế gần 200 triệu m3 nước và công trình đập dâng Tân Mỹ phía hạ lưu tại huyện Ninh Sơn nối hai bờ sông Cái dài 182 m và đường ống chính, hệ thống kênh tưới cho vùng hạ du. Công trình Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ không chỉ tích nước, phục vụ tưới trực tiếp và tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh-Lâm Cấm, mà còn tiếp nước cho khu tưới hồ Cho Mo, hồ Bà Râu, hồ Ông Kinh phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất thủy sản và tạo nguồn cho các công trình thủy điện. Xác định dự án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, đơn vị chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình theo hình thức cuốn chiếu, giao mặt bằng tới đâu, triển khai thi công đến đó; phấn đấu hoàn thành việc lắp đặt đường ống chính vào tháng 9 năm 2019, trước mắt cung cấp nước tưới cho khoảng 1.083 ha vùng hạn.
Hồ Cho Mo phục vụ nước tưới cho nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Nỷ
Trong khi đó, ở thượng nguồn sông Cái, công trình đập chính hồ Tân Mỹ cũng đang được đội ngũ công nhân khẩn trương thi công xây dựng. Hiện giai đoạn khó khăn nhất của dự án là xây dựng cống xả ngầm đã được hoàn thành; mặt bằng các vị trí đập chính và 4 đập phụ đã đã cơ bản được giải phóng để triển khai phần xây dựng. Theo ông Nguyễn Đình Chinh, Quản lý công trình, hiện nay các mũi thi công đang tăng tốc để bắt kịp thời gian tiến độ, có thời điểm làm cả ban đêm. Chúng tôi phấn đấu phải hoàn thành phần cao trình chân đập trước tháng 8 năm nay để tránh mưa lũ ảnh hưởng đến công trình. Hiện trên công trường luôn có trên 1.500 công nhân, kỹ sư cùng thiết bị, máy móc để thực hiện công trình. Địa phương cũng cũng đang cùng nhà đầu tư tháo gỡ gỡ khó khăn do vướng mặt bằng mỏ khai thác đá trong phạm vi công trình. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ huy động thêm nhân lực và phương tiện để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình theo các mốc tiến độ đề ra.
Cùng với Công trình hồ Thủy Lợi Tân Mỹ công trình Đập dâng hạ lưu sông Dinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng đang được các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để góp phần nâng cao năng lực chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du. Là công trình trọng điểm có tính cấp bách, công trình đập hạ lưu sông Dinh có tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục đập dâng tạo hồ chứa dài 240 m, 6 khoang điều tiết nước, âu thuyền kết hợp cống xả và cầu giao thông nối hai bờ sông dài 480m. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau 2 năm triển khai thực hiện, tuy nhiên do ảnh hưởng của các trận lũ vào cuối năm 2018, công trình hiện đã bị chậm tiến độ. Nhằm khắc phục khó khăn, chủ đầu tư vừa tổ chức khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, vừa đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục còn lại. Đến nay, nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc như: đường dây trung áp, trạm biến áp, cọc trụ cầu, bê tông tấm lát gia cố lòng dẫn, 5 cửa van và 25 dầm cầu. Theo đánh giá của đơn vị chủ đầu tư, hiện nay tổng thể công trình đã hoàn thành trên 85% khối lượng theo hợp đồng; dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III năm 2019.
Thi công công trình Đập hạ lưu sông Dinh. Ảnh: V.Thanh
Công trình trọng điểm hồ chứa nước sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) có tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng, dung tích chứa thiết kế 85 triệu m3, được khởi công từ tháng 7-2018 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp Ninh Thuận làm chủ đầu tư với 13 gói thầu đang khẩn trương triển khai các hạng mục. Thực hiện công trình này, địa phương phải tiến hành thu hồi và giải phóng mặt bằng đối với diện tích hơn 1.000 ha đất của 200 hộ dân. Để dự án được triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả chống hạn và mở rộng diện tích sản xuất, người dân xã Hòa Sơn đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để công trình thi công thuận lợi. Với tính cấp bách của công trình, địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thống kê, rà soát, khẩn trương thực hiện chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy bước đầu triển khai gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, các nhà thầu đã tranh thủ chạy đua thời gian thi công khi thời tiết trong những ngày tháng Tư khá thuận lợi; phấn đấu để hoàn thành công trình trong năm 2020 (sau 30 tháng thi công). Khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác và nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu.
Với việc đẩy nhanh tiến độ, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đắc lực trong công cuộc chống hạn, phục vụ tưới tiêu, ổn định sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt trên vùng đất nắng. Hòa trong không khí thi đua kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều công trình mới cũng đang được khởi công xây dựng; các công trình năng lượng sạch, chợ trung tâm, trường học cũng đã kịp khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần để quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Anh Tuấn