Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 16 chương, 209 điều quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ…
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh
chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu góp ý xoay quanh các nội dung: Nên sửa đổi, xem xét lại một số từ ngữ chuyên ngành rõ ràng, hợp lý hơn. Ở điều 33 cần quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, tránh phát sinh vấn đề phức tạp; cần quy định rõ các chế tài cưỡng chế đối với pháp nhân không chấp hành bản án, quyết định thi hành án. Về thi hành án tử hình, một số ý kiến dự thảo luật cần bổ sung các quy định để khắc phục những hạn chế hiện nay trong công tác thi hành án tử hình, nhất là thời gian người bị kết án tử hình bị giam giữ chờ thi hành án quá lâu; bổ sung thêm các quy định về giam giữ riêng…
Đối với Dự án Luật Kiến trúc (sửa đổi), các đại biểu đồng tình, nhất trí về bố cục, nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định, tập trung vào các vấn đề: xem xét thời gian cấp chứng chỉ hành nghề cho phù hợp với thực tiễn; cần quy định rõ quyền tác giả của công trình kiến trúc; điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề; cần bổ sung thêm nội dung quản lý thi tuyển; thay đổi một số từ ngữ để phù hợp với chuyên ngành kiến trúc…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu đối với 2 dự án luật; Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Mỹ Dung