KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THỦY SẢN VIỆT NAM (1/4/1959 - 1/4/2019)

60 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Những thành tựu bứt phá vượt bậc

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (1/4/1959 - 1/4/2019), ngành Thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với quy mô ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, năm nay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, với những cam kết rất “mở” sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho thủy sản nước ta.

Tăng trưởng mạnh

Cách đây 60 năm, ngày 1-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu và Cát Bà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với đồng bào và chiến sĩ nơi đảo xa. Để ghi nhớ sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1-4 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển và hội nhập với những thành tựu bứt phá vượt bậc. 

Đặc biệt, giai đoạn 1986-1995 chứng kiến những bước đi mạnh mẽ, phát triển toàn diện của ngành Thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc đưa tàu thuyền đi khai thác ở vùng khơi và xây dựng cơ sở hậu cần trên đảo tạo điều kiện cho ngành khai thác phát triển mạnh. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, phương thức nuôi, đối tượng nuôi đa dạng hơn và cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là nuôi tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, ngành chế biến thủy sản đã hướng tới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam được nhập khẩu vào các nước tiên tiến. Nhờ đó, đến năm 1995, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,34 triệu tấn; trong đó khai thác 928.800 tấn, nuôi trồng 415.300 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD.

Đến nay, ngành Thủy sản nước ta tiếp tục có sự tăng trưởng đều đặn. Theo đó, sản lượng thủy sản năm 2018 đạt hơn 7,4 triệu tấn, gấp 5,6 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,89 triệu tấn, gấp gần 4 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên hơn 54% năm 2018. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD  vào năm 1999 và đạt trên 9 tỷ USD vào năm 2018 - mức cao nhất từ trước tới nay, đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Hiện Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga), đứng số 1 Đông Nam Á và số 2 châu Á.

Để có được những thành tựu đó, trong chiến lược phát triển của ngành, các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, thành công trong chế biến, xuất khẩu đã trở thành động lực thúc đẩy khai thác và nuôi trồng thủy sản. Cũng chính vậy ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời phát huy các nguồn lực, đổi mới để phát triển, trong xu thế mở cửa và hội nhập đất nước, ngành thủy sản phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản công nghiệp hóa-hiện đại hoá và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Đồng thời từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc...

Nhiều tín hiệu lạc quan

Năm 2019 là năm được nhận định là có điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản khôi phục lại sức mua ở các thị trường quan trọng, củng cố đà tăng trưởng do những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do có quy mô và tác động lớn.

Có thể thấy, cơ hội đầu tiên đến từ sự kiện CPTPP chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2019. Theo đó, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước thành viên CPTPP sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình.

Hơn nữa, năm 2019 cũng là năm đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật khi thuế nhập khẩu tất cả các dòng thủy sản từ Việt Nam tại đây đã được đưa về 0%. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đang được các thành viên tích cực hoàn tất thủ tục để sớm đi vào thực thi.

Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản cũng gia tăng hơn sẽ là điều kiện giúp các sản phẩm chủ lực của Việt Nam thiết lập mức tăng trưởng xuất khẩu mới. Theo đó, mặt hàng tôm đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2019, với Mỹ là thị trường tăng trưởng chủ chốt, dự kiến kim ngạch sẽ đạt khoảng 750 triệu USD, tăng 17,6% so năm 2018. Còn đối với Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay cũng được dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Anh và Hà Lan. Đó là cơ sở để ngành tôm của Việt Nam đưa kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt mức 1 tỷ USD trong năm 2019.

Với mặt hàng cá tra, do đạt được hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong nhiều năm, cộng với nhu cầu thị trường đối với mặt hàng cá tra đang có xu hướng tăng lên đã giúp sản phẩm cá tra Việt Nam có thị phần tiêu thụ nhất định, được người tiêu dùng thế giới đón nhận và đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thủy sản thế giới. Do đó năm 2019 ngành cá tra sẽ củng cố mức xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD.

Đặc biệt với những nỗ lực nhằm gỡ bỏ thẻ vàng IUU của châu Âu (thẻ vàng cảnh cáo vì thủy sản đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý), mặt hàng hải sản Việt Nam đặt mục tiêu có thể xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2019 để đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2019.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra là một mục tiêu rất cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để hoàn thành mục tiêu đó, cần sự đồng bộ của cả chuỗi giá trị, từ khâu khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thị trường. Trong đó, khai thác, sản xuất nguyên liệu phải đảm bảo quy trình sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào. Khâu chế biến phải đổi mới quy trình công nghệ, quản trị nhằm giảm giá thành và nối dài chuỗi giá trị. Đối với tổ chức thị trường, ngoài duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp và hiệp hội cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nhiều tiềm năng. Song song đó, phải tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa vì đây là một thị trường rất lớn với gần 100 triệu dân và 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm.

(Theo TTXVN)