KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THỦY SẢN VIỆT NAM (1/4/1959 - 1/4/2019)

Những định hướng mới của ngành Thủy sản tỉnh nhà

(NTO) Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2019), phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về quá trình phát triển của ngành và định hướng mới trong thời gian tới.

- Phóng viên: Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam cũng là dịp để ngành Thủy sản tỉnh nhà nhìn lại quá trình hoạt động kể từ khi tái lập tỉnh, vậy đồng chí cho biết trong 27 năm qua ngành Thủy sản tỉnh nhà đã có bước phát triển như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm: Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, có dịp nhìn lại 27 năm kể từ khi tái lập tỉnh nhà, có thể khẳng định nghề cá tỉnh ta đã có những bước phát triển vượt bậc, làm thay đổi bộ mặt đời sống ngư dân các vùng ven biển, có vai trò đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Minh họa cho sự phát triển đó, trước hết là ở lĩnh vực khai thác thủy sản, trong ngần ấy năm, lực lượng khai thác đã phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng, chuyển từ đánh bắt trên biển ven bờ ngắn ngày sang đánh bắt vùng biển xa dài ngày. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2.505 tàu cá với tổng công suất 415.937 CV, nếu so với năm 1992, công suất bình quân mỗi tàu cá đã nâng từ 15,6 CV/chiếc lên 166 CV/chiếc, số tàu cá đã tăng 1,45 lần và công suất tăng 25 lần. Thời điểm năm 1992, năng lực đánh bắt trong tỉnh chỉ có vài chiếc có công suất trên 90 CV, ngày nay con số ấy là 1.119 tàu. Đặc biệt tỉnh ta đã có đội tàu trên 125 chiếc có công suất trên 700 CV, đã hình thành đội tàu khai thác xa bờ gồm 564 chiếc, chiếm gần 50% đội tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Về sản lượng khai thác hải sản, năm 2018 Ninh Thuận đã đạt 117.029 tấn, tăng 8,5 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.

Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh hiện có diện tích mặt nước thả nuôi 1.230 ha với sản lượng hằng năm trên 10.000 tấn, gấp 16 lần so với năm 1992. Từ đối tượng nuôi duy nhất là tôm sú, bây giờ đã phát triển nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: tôm thẻ chân trắng, ốc hương, hàu Thái bình Dương, các loài cá biển (như: cá bớp, cá mú, cá chim trắng). Nhiều mô hình nuôi có hiệu quả cũng đã hình thành như mô hình nuôi trên cát, mô hình nuôi lồng bè trên biển… Trong sản xuất giống, từ một vài cơ sở nhỏ lẻ vào năm 1992, hiện nay tỉnh ta đã hình thành các khu vực nuôi tập trung với trên 450 cơ sở sản xuất, sản lượng hằng năm đã vượt trên 30 tỷ con giống, chiếm khoảng 30% sản lượng của cả nước, gấp hơn 600 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Đến nay, tỉnh ta đã được xác định là Trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn của cả nước. Bên cạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, việc xây dựng công trình hạ tầng nghề cá cũng được chú trọng, tỉnh ta hiện có 3 cảng và 1 bến cá có khả năng tiếp nhận hằng năm trên 6.000 tàu cá, qua đó hình thành các trung tâm hậu cần tạo động lực cho nghề cá phát triển.

- Phóng viên: Qua xác định nhiệm vụ trọng tâm là đóng góp vào mục tiêu xây dựng kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, theo đồng chí, ngành Thủy sản tỉnh nhà cần định hướng thế nào để phát triển đồng bộ các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản trong những năm đến?

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm: Ngành Thủy sản tỉnh nhà luôn được Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để phát triển. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26-10-2016 về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030, Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 2-1-2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, ngành Thủy sản tỉnh chủ trương phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng khai thác hải sản trên 120.000 tấn, sản xuất trên 36 tỷ con tôm giống chất lượng cao.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là khuyến khích ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, hiện đại hóa đội tàu cá tỉnh nhà để đủ sức vươn khơi, khai thác vùng biển xa, góp phần thúc đẩy ngành khai thác hải sản theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tập trung thực hiện tốt chủ trương xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, xây dựng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận ngày càng phát triển, uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Trọng tâm là đầu tư nâng cấp, mở rộng, nạo vét luồng lạch các cảng cá Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná, Mỹ Tân thành các trung tâm thương mại nghề cá, phục vụ lực lượng khai thác đang phát triển ngày càng lớn mạnh.

Tin tưởng rằng với việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nghề cá của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã định hướng.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.