Theo đó, trong thời gian vừa qua, một số cơ quan truyền thông phản ánh về hiện tượng gia tăng buôn bán, vận chuyển, lợn cảnh mini, nhiều khả năng lợn cảnh này đã được nhập lậu qua biên giới từ các nước láng giềng vào Việt Nam để tiêu thụ. Trong khi đó, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3-8-2018 đến ngày 16-3-2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 113 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 28 tỉnh, buộc phải tiêu hủy trên 1,1 triệu con lợn; dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.
Theo thống kê sơ bộ, tại Việt Nam tính đến ngày 16-3-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 253 xã, 57 huyện của 18 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 26.807 con. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút bệnh ở mọi loại lợn (lợn nuôi, kể cả lợn cảnh và lợn rừng); lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị và bệnh không lây sang người.
Để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn cảnh mini; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép lợn cảnh mini không rõ nguồn gốc, lợn cảnh nhập lậu.
B.H