Vườn táo Bom TN-05 của gia đình bà Trão Thị Tạo phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn.
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, tỉnh ta được đánh giá là địa phương có điều kiện rất thích hợp để trồng táo so với cả nước. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.300 ha táo, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm… Nhằm đưa sản phẩm táo được khẳng định thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp hướng tới mở rộng quy mô sản xuất; đặc biệt, chú trọng liên kết với các công ty, doanh nghiệp chuyển giao giống mới cũng như đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất. Với thế mạnh, triển vọng từ cây trồng này mang lại, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lai tạo thành công giống táo Bom TN-05. Tiến sỹ Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết: Hiện nay, các giống táo ở địa phương đang dần bị thoái hóa, năng suất giảm, nhiều sâu bệnh, để bổ sung giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Năm 2017, sau khi trồng 4 sào thí điểm tại viện và cho kết quả tốt, đã tiến hành chuyển giao cho một số nông hộ trồng thử nghiệm giống táo Bom TN-05 trên diện tích 9 sào.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, giống táo Bom TN-05 có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu khô hạn, bước đầu mở ra triển vọng mới trong sản xuất táo của nông dân trên địa bàn tỉnh. Là một trong những hộ được Viện chọn trồng thí điểm giống táo mới trên diện tích 2 sào, bà Trão Thị Tạo, thôn Công Thành, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Giống táo Bom TN-05 với đặc điểm nổi bật như màu sắc đẹp, trái to, thời gian trồng đến khi thu hoạch khoảng 1 năm, năng suất mỗi sào đạt khoảng 4 tấn/vụ, cao hơn 1-1,2 tấn so với giống táo thông thường; hiện giá bán tại vườn từ 15.000-18.000 đồng/kg, trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận thu được từ giống táo Bom TN-05 cao gần gấp đôi so với giống táo trồng đại trà… Đặc biệt, nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ giống mới này, trong quá trình thực hiện, viện còn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc; bên cạnh đó, hỗ trợ một phần chi phí để bà con áp dụng phương pháp trùm lưới bao quanh giàn táo, nhằm phòng ngừa sâu hại, hạn chế hiện tượng rụng quả; tiết kiệm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hoạt động chuyển giao giống táo chất lượng cao đã góp phần vào mục tiêu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Viện tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng giống đạt tiêu chuẩn; đồng thời, tiến hành thực hiện các mô hình trình diễn, hướng dẫn khoa học-kỹ thuật; hỗ trợ nông dân ở các địa phương mở rộng quy mô sản xuất giống táo Bom TN-05 dự kiến đến năm 2020 đạt diện tích từ 20 ha trở lên.
Hồng Lâm