Nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa, văn minh
Một lễ hội lớn khai mạc, mời rất nhiều đại biểu cán bộ trong và ngoài địa phương đến dự. Các đại biểu ngồi rất nghiêm túc cho đến khi hoàn thành các nghi lễ. Nhưng khi các nghi lễ kết thúc, nhiều “đại biểu” tràn lên chen lấn, xô đẩy, thậm chí là tranh cướp lấy từng cây nến, từng cành hoa, từng túi bánh trên ban thờ.
Trên đường cái xe cộ đi lại như nêm, một chiếc xe ô tô sang trọng mở cửa kính, một cánh tay thò ra ngoài vô tư ném một túi rác xuống đường, có mảng bay lên vướng vào người đi phía sau.
Lễ hội Giằng Bông làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Có thể nói, có nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa như chen lấn khi mua sắm, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp lên nhau để tranh cướp lộc; vô tư xả rác bừa bãi ở mọi nơi, mọi lúc, không có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng ngay cả khi tham gia giao thông trên đường, khi đi du lịch, những điểm văn hóa cộng đồng; thường xuyên gây ồn ào, nói quá to ở cơ quan, bệnh viện, thậm chí ngay cả ở những nơi thánh đường, tôn giáo; hay đi trễ giờ, thiếu ý thức tham gia giao thông… Đó là những hành vi ứng xử thiếu văn minh, văn hóa xảy ra khá thường xuyên trong xã hội hiện nay khiến dư luận bức xúc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ với những hành vi ứng xử chuẩn mực văn hóa.
Có thể kể đến Đề án văn hóa công vụ được Chính phủ phê duyệt với những quy định về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp ứng xử, đạo đức lối sống, trang phục cán bộ công chức, viên chức...; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Bộ Y tế ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; UBND thành phố Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử nơi cộng cộng trên địa bàn thành phố…
Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn còn tồn tại...
Tuyên truyền để thay đổi hành vi
Để khắc phục những hạn chế nêu trên cần những giải pháp kịp thời, trong đó việc tăng cường thông tin với các cơ quan báo chí nhằm phối hợp truyền thông thay đổi hành vi văn hóa ứng xử trong xã hội.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Rất nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã kịp thời nêu những tấm gương người tốt việc tốt xây dựng một hình ảnh xã hội tích cực, đồng thời phê phán những hạn chế, tiêu cực, phản văn hóa, từ đó tạo ra hiệu ứng lên án cái xấu trong toàn xã hội.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy, báo chí luôn phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, là bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc. Những năm gần đây, tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, trong xã hội, nhiều khi đến mức báo động, đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực.
Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Báo chí tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử, phát hiện cổ vũ những gương người tốt, những tấm gương điển hình, những cách làm hay, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử…
Ông Hồ Quang Lợi khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng nhất quán, kiên định quan điểm văn hóa là một mặt trận, một bộ phận cấu thành không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng nước ta. Việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa thực hiện tốt quy tắc ứng xử, là công việc lâu dài, phức tạp, muốn thành công phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, cá nhân, tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng báo chí hùng hậu của cả nước.
Theo TTXVN/Báo Tin tức