* Venezuela có thể chuyển lượng dầu thô dành cho Mỹ sang Nga
Ngày 18-3, Bộ trưởng Dầu khí và Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia (PDVSA) của Venezuela Manuel Quevedo tuyên bố nước này có thể chuyển lượng dầu thô vốn được dành cho Mỹ, khách hàng lớn nhất của Venezuela, sang Nga và các thị trường khác.
Một cơ sở lọc dầu ở hồ Maracaibo, Venezuela.
Phát biểu sau một cuộc họp tại Baku (Nga) giữa bộ trưởng năng lượng các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác, ông Quevedo cũng thông báo cảng xuất dầu lớn nhất của nước này, cảng José, đã trở lại hoạt động bình thường sau sự cố mất điện diện rộng nhiều ngày tuần trước.
Tuyên bố của ông Quevedo được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố đã chuyển toàn bộ các tài sản của PDVSA tại Mỹ (trong đó đáng chú ý nhất là công ty lọc dầu và phân phối xăng dầu CITGO) sang tay phe đối lập Venezuela do “tổng thống tạm quyền” tự phong Juan Guaidó đứng đầu, qua đó tiếp tục siết chặt các hình phạt nhắm vào ngành dầu khí Venezuela với mục tiêu cắt nguồn cung tới 90% thu nhập của Caracas.
* Thủ tướng New Zealand: Thủ phạm vụ xả súng phải đối mặt với "toàn bộ sức mạnh của luật pháp"
Ngày 19-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố Brenton Harrison Tarrant, hung thủ trong các vụ nổ súng vào hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch hồi cuối tuần trước khiến 50 người thiệt mạng, sẽ đối mặt với "toàn bộ sức mạnh của luật pháp".
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội, Thủ tướng Ardern nhấn mạnh Tarrant sẽ phải đối mặt với sự nghiêm minh của luật pháp New Zealand. Nhà lãnh đạo New Zealand nói thêm rằng đối tượng là một tên khủng bố, một tội phạm, một kẻ cực đoan.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Ardern đã công bố các kế hoạch thắt chặt luật sử dụng súng đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp những vũ khí không cần thiết. Bà cho biết kế hoạch chi tiết sửa đổi luật sở hữu súng sẽ được chính phủ công bố trong tuần tới.
* Philippines chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế
Ngày 17-3, Philippines đã chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), trở thành quốc gia thứ hai rút khỏi tòa án này.
Theo quy định của ICC, việc rút khỏi tòa án sẽ có hiệu lực 1 năm sau khi Philippines thông báo với Liên hợp quốc (LHQ) về quyết định này. Người phát ngôn của LHQ cho biết Tổng thư ký LHQ Eri Kaneko mới đây đã thông báo tới tất cả các quốc gia liên quan rằng việc Philippines rút khỏi ICC sẽ có hiệu lực vào ngày 17-3.
Manila đã đưa ra quyết định trên sau khi ICC mở cuộc điều tra đối với chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào năm 2018. ICC được thành lập năm 2002 là một tòa án thường trực để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.
H.L (tổng hợp)