Châu Âu đối mặt với thách thức hồi hương các tay súng IS

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị các nước đồng minh châu Âu “tiếp nhận lại” các tay súng IS là những công dân châu Âu bị bắt tại Syria, đã làm bùng nổ những phản ứng trái chiều, khiến các quốc gia châu Âu phải “đau đầu” về cách thức đưa các phần tử Hồi giáo cực đoan này ra xét xử như thế nào. Số phận của các tù nhân IS là công dân châu Âu đang trở thành bài toán khó chưa có lời giải khi cuộc chiến chống IS đang dần đi đến hồi kết.

IS vẫn là mối đe dọa an ninh

IS đã thực sự lớn mạnh và mở rộng hoạt động ở Iraq và Syria vào năm 2014. Song đến cuối năm 2017, IS đã mất đến 95% lãnh thổ mà tổ chức này từng kiểm soát ở Iraq và Syria. Dù đã để mất nhiều vùng lãnh thổ, nhưng IS vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn thế giới. IS vẫn có nguy cơ trỗi dậy bất cứ lúc nào bởi tổ chức cực đoan này đã “vươn vòi bạch tuộc” tới nhiều nước trên thế giới. Liên hợp quốc cảnh báo, hiện IS vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an ninh và sự ổn định tại nhiều khu vực. Liên hợp quốc ước tính, IS hiện có từ 14 đến 18 nghìn tay súng thành viên, trong đó, có tới 3.000 phần tử khủng bố là người nước ngoài.

Hiện nay, về cơ bản IS đã rút vào hoạt động ngầm, tuy nhiên tổ chức này vẫn duy trì tầm ảnh hưởng và nuôi mưu đồ tiến hành các cuộc tiến công khủng bố quy mô lớn, duy trì mạng lưới trên phạm vi toàn cầu.

Tư tưởng của IS vẫn không thay đổi và tiếp tục được truyền bá trên mạng internet. Tại các tỉnh, các nhóm, mạng lưới và chi nhánh thề trung thành với lãnh đạo IS Abu Bakr al Baghdadi đang tìm cách biến những người theo đạo Hồi thành những kẻ quá khích và thực hiện các vụ tấn công.

Mặc dù những thành phần chóp bu của IS đang bị truy nã và chắc chắn sẽ bị loại bỏ trong năm 2019, song những kẻ lãnh đạo ở cấp thấp hơn được cho là sẽ vẫn tiếp tục hoạt động trong bóng tối bởi chúng ngày càng láu cá và xảo quyệt hơn. IS và Al Qaeda sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn bởi thế giới hiện đang thiếu vắng một kế hoạch và chiến lược chống khủng bố hiệu quả, sự thù địch địa chính trị và tranh giành vị thế siêu cường giữa các nước vẫn tiếp diễn, và thất bại trong việc giải quyết tận gốc những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Không những vậy, việc chính quyền Mỹ mới đây thông báo sẽ rút khoảng 2.000 bính lính khỏi Syria và có thể tiết giảm 7.000 binh lính Mỹ (trong tổng số 14.000 quân) khỏi Afghanistan cũng đang đặt ra những lo ngại về sự trỗi dậy của khủng bố. Bởi trước đây, IS cũng đã từng lợi dụng việc Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 để mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng ở vùng Levant.

Châu Âu “đau đầu” với các tay súng IS hồi hương

Cơ quan phụ trách Quốc phòng-An ninh thuộc EU cho biết, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016, đã có khoảng hơn 5000 người châu Âu đã gia nhập IS tại Syria hoặc Iraq. Khi IS bị mất đi các vùng lãnh thổ mà tổ chức này đã từng kiểm soát, sẽ có từ 1.200 đến 3.000 “tay súng IS” quay trở lại lãnh thổ châu Âu.

Các chuyên gia cảnh báo, khi những tay súng IS này quay trở lại châu Âu, họ vẫn có thể duy trì liên hệ với IS tại các khu vực xung đột thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và vì vậy nguy cơ tấn công khủng bố trong lòng châu Âu là rất lớn. Do nhiều nước châu Âu tham gia vào các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria, Libya, Iraq và Afghanistan, nên châu Âu trở thành mục tiêu trả đũa điên cuồng của các tổ chức khủng bố là rất rõ.

Trong bối cảnh đó, thời gian gần đây, nhiều tranh luận đã nổ ra về khả năng nhiều nước châu Âu có sẵn sàng tiếp nhận trở lại những công dân từng tham gia IS hay không. Nhiều nước châu Âu đang bị chia rẽ về vấn đề này do lo ngại an ninh. Điều này đặc biệt trở thành một vấn đề “đau đầu” của châu Âu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2-2019 gây sức ép với các nước Anh, Pháp, Đức và các đồng minh châu Âu khác  khi ông cho rằng EU phải tiếp nhận 800 tay súng IS mà lực lượng liên quân đã bắt giữ được tại Syria và phải đưa các đối tượng này ra xét xử.

Đáp lại sức ép từ phía Mỹ, Chính phủ Anh đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May, các tay súng IS này nên được đưa ra xét xử tại nơi mà chúng phạm tội, và Chính phủ Anh sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế khác để giải quyết vấn đề này.

Các cơ quan tình báo Anh ước tính, khoảng 900 tay súng Anh đã đến Syria, 20% trong số này đã chết và 40% sẽ trở về. Anh cho rằng việc các nước châu Âu phải “tiếp nhận lại” các tay súng IS là không khả thi. Châu Âu vốn đã phải chật vật đối phó nguy cơ khủng bố do các “sói đơn độc” lấy cảm hứng từ IS tiến hành, nay lại cận kề nỗi lo các tay súng IS trở về.

Nhằm đối phó với các tay súng IS hồi hương, vào tháng 2-2019 vừa qua, Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật chống khủng bố, theo đó các tay súng là công dân Anh đã từng ở Syria sẽ bị bắt giữ và có thể phải đối mặt với án tù giam 10 năm khi trở về nhà.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp của Pháp Nicole Belloubet thì khẳng định cho đến nay Pháp chưa có chính sách mới đối với việc hồi hương những công dân Pháp gia nhập IS ở Syria mà việc hồi hương những người này hiện vẫn thực hiện theo “từng trường hợp một”.

Đứng trước yêu cầu của Mỹ về tiếp nhận các tay súng IS là công dân châu Âu, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã thẳng thắn thừa nhận, vấn đề này là “một trong những thách thức trước mắt lớn nhất của chúng tôi trong những tháng tới”.

Thụy Điển, nước có khoảng 100 công dân tham gia IS, song cũng không muốn “đón” họ trở lại quay trở lại nước này. Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg cho rằng “những công dân Thụy Điển tham gia tổ chức IS đã gây ra tội ác trước tiên phải được phán xét tại các quốc gia nơi họ đang ở”. Một thực tế là Thụy Điển hiện chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc xét xử các phần tử khủng bố nên nếu cho hồi hương những công dân tham gia IS thì tòa án nước này cũng không có căn cứ để xét xử.

Còn tại Áo, ngày 6-3, Bộ trưởng Nội vụ Áo Herbert Kickl cũng khẳng định nước này sẽ không tiếp nhận lại những đối tượng đã gia nhập IS và từ bỏ giá trị của xã hội Áo.

Cho đến nay, chỉ có Đức cho biết nước này có thể tiếp nhận lại các tay súng tham gia IS bị bắt giữ ở Syria, nhưng với điều kiện những đối tượng này được quyền tiếp cận lãnh sự. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Đức cho rằng sẽ “vô cùng khó khăn” khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS. Theo các số liệu thống kê của Ðức, kể từ năm 2013 đến nay, hơn 1.000 người Ðức đã tới các khu vực chiến sự ở Syria và Iraq, tuy nhiên, chỉ khoảng một phần ba trong số này quay trở về Ðức.

Có thể thấy, số phận của hàng trăm tay súng thánh chiến châu Âu từng chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức IS thực sự là một vấn đề lớn. Rõ ràng nhiều rủi ro đang rình rập không chỉ với châu Âu mà là cả thế giới.

Theo TTXVN