* Nhật Bản không trình dự thảo nghị quyết lên án Triều Tiên vi phạm nhân quyền lên LHQ.
Nguồn tin chính phủ cho biết, lần đầu tiên kể từ năm 2007, Nhật Bản đã quyết định không đệ trình dự thảo nghị quyết chung lên án Triều Tiên vi phạm nhân quyền lên một Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) với hy vọng kéo nước này vào bàn đàm phán về vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ.
Các nguồn tin đánh giá quyết định này thể hiện mong muốn của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc giải quyết vấn đề bắt cóc công dân, mà ông đã coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mình.
Ông Abe là người tiên phong trong chiến dịch với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm gây “áp lực tối đa” đối với Bình Nhưỡng, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nắm bắt mọi cơ hội để ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để phá vỡ sự bế tắc về các vụ bắt cóc những năm 1970 và 1980.
* Venezuela khôi phục hoàn toàn dịch vụ cung cấp điện trên cả nước.
Người dân vây quanh một chiếc xe bồn phân phối nguồn nước sạch khan hiếm tại Caracas.
Ngày 13-3, Chính phủ Venezuela thông báo đã khôi phục hoàn toàn việc cung cấp điện trên toàn quốc sau hơn 5 ngày bị mất điện do các vụ tấn công vào trung tâm điều khiển của nhà máy thủy điện Guri lớn nhất nước, cũng như các hệ thống phát và phân phối điện ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, dịch vụ cung cấp nước sạch cũng đã khôi phục được khoảng 80% trên phạm vi cả nước, trong khi các xe chở nước sạch cũng được huy động tối đa tới phục vụ các khu dân cư hiện vẫn chưa có nước.
Ngày 7-3 vừa qua, Hệ thống điều khiển tự động (ARDA) ở nhà máy thủy điện Guri - nơi cung cấp 80% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ lãnh thổ Venezuela, đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, đánh sập hệ thống cung cấp điện trên toàn quốc.
* Nga lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
Bộ Ngoại giao Nga ngày 13-3 lên án các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt đối với Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank, có trụ sở ở Nga và do Venezuela sở hữu một phần, cũng như việc Mỹ đe dọa trừng phạt tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga vì hợp tác với Venezuela.
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ xem xét lại, thay vì áp đặt trừng phạt đối với các công ty và ngân hàng nước ngoài, hãy thay đổi theo hướng cùng nỗ lực dưới sự bảo hộ của Liên hợp quốc (LHQ) để giúp ổn định tình hình tại Venezuela dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank, với cáo buộc “âm mưu phá vỡ các trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela”.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt không nằm trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bị coi là phi pháp. Theo Bộ trên, các trừng phạt trên cấm Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank trao cho Chính phủ Venezuela “cơ hội làm việc bình thường với các đối tác nước ngoài”.
H.L (tổng hợp)