Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh trong triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, từ năm 2018 đến nay, các địa phương tập trung xây dựng 14 cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh, nho với tổng diện tích 1.424 ha. Công tác nhân rộng mô hình CĐL được đánh giá là dần đi vào chiều sâu, bền vững nhờ vào đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học và công nghệ, bao tiêu sản phẩm. Đơn cử, mô hình CĐL sản xuất bắp do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) chủ trì liên kết với Công ty TNHH Hạt giống CP và Công ty Giống cây trồng Đông Nam cung cấp giống nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên năng suất và lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với sản xuất bắp thương phẩm thông thường. Điểm mới trong chỉ đạo xây dựng CĐL gần đây của UBND tỉnh là đề nghị các địa phương chủ động quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng đưa vào canh tác các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao. Thành công của mô hình CĐL sản xuất măng tây xanh quy mô 20 ha do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) chủ trì liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Tiến, mô hình CĐL sản xuất nho do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hy (Ninh Hải) chủ trì liên kết với nông dân đã khắc phục được tập quán canh tác nhỏ lẻ trước đây. Nhờ sản xuất tập trung trên quy mô lớn đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, giảm được nhiều chi phí, đảm bảo sản xuất ổn định quanh năm kể cả những thời điểm hạn hán.
Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập cao. Ảnh: Sơn Ngọc
Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng có nhiều tiến bộ, gắn chuỗi giá trị theo hướng bền vững. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi hơn 1.891 ha; trong đó, vụ đông - xuân 2018 - 2019 là 531 ha. Ngoài các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu xanh, rau màu, thì điểm đáng mừng là đã chuyển đổi bền vững được gần 300 ha nho, táo, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi và các loại cây ăn quả khác. Nhiệm vụ nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Từ việc UBND tỉnh kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện chương trình, hàng loạt mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả được các địa phương triển khai nhân rộng, tạo sự lan tỏa rộng khắp. Cụ thể, tỉnh đã phân bổ 1,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp cho các huyện nhân rộng mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm” với diện tích hơn 732 ha; mô hình nuôi bò, dê, cừu sinh sản ở địa bàn các xã miền núi, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo.
Cùng với chăn nuôi và trồng trọt, hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng tạo được đột phá. Triển khai xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, tháng 5-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Nhãn hiệu chứng nhận Tôm giống Ninh Thuận. Hiện ngành chức năng đang cung cấp Nhãn hiệu cho các cơ sở tôm giống trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai thí điểm mô hình sản xuất giống thủy sản an toàn, chất lượng theo tiêu chí VietGAP tại Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư S6, Công ty TNHH Giống thủy sản Hesinor.
Công ty TNHH Sản xuất giống Thủy sản Miền Trung VN ở xã An Hải (Ninh Phước)
cung cấp giống tôm thẻ chân trắng chất lượng cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ
Xây dựng kế hoạch tổ chức lại nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cấu trúc vùng đầm Nại thành khu nuôi sinh thái bền vững; đầu tư phát triển hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tại khu vực Nhơn Hải (Ninh Hải). Ở tầm cao hơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng Khu giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước) và Dự án hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (Ninh Hải). Đối với hoạt động đánh bắt, chú trọng phát triển khai thác xa bờ, thành lập các tổ đoàn kết trên biển, giảm dần các loại tàu công suất nhỏ dưới 20CV, hướng tới xây dựng Nghiệp đoàn nghề cá. Thực hiện Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản, năm 2018 ngành chức năng, các địa phương đã hỗ trợ chuyển đổi nghề 35 trường hợp từ vùng bờ, lộng, ra vùng khơi và vùng biển xa, phát triển thêm 8 Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, nâng tổng số lên 170 tổ, với 1.018 tàu cá được trang bị những phương tiện hàng hải hiện đại.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Phát triển nông nghiệp cao là giải pháp hữu hiệu để hướng tới đạt mục tiêu của cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng mặt hàng nông sản và thu nhập cho nông dân. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, năm 2019, các ngành, các địa phương tập trung triển khai nhóm việc trọng tâm, như: Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển 1.500 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn theo hướng bền vững. Nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Củng cố hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Triển khai quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao; phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất giống chất lượng cao của cả nước, tổ chức lại nuôi trồng, khai thác thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Anh Tùng