Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn từng bước được khẳng định rõ nét, thông qua những giải pháp tích cực được ngành Nông nghiệp huyện triển khai như hỗ trợ, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Một trong những yếu tố quyết định thành công chính là Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU, ngày 26-7-2016 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với khí hậu khô hạn giai đoạn 2016-2020. Để cụ thể hóa nghị quyết, các phòng, ban chuyên môn từ huyện đến cấp xã không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở các địa phương lựa chọn những loại cây trồng tiết kiệm nước, có khả năng chống chịu tốt trước thời tiết cực đoan. Đặc biệt, thông qua việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các phương pháp sản xuất mới, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn giúp nông dân xã Phước Nam
(Thuận Nam) có thu nhập ổn định.
Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay, chủ trương chuyển đổi cây trồng đã thực sự đi vào cuộc sống và đang phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như xã miền núi Phước Hà, lâu nay bà con chỉ quen với việc canh tác lúa, tuy nhiên, hầu hết diện tích trồng lúa chủ yếu dựa vào nước trời là chính, có vụ phải ngưng sản xuất vì nắng hạn. Tránh tình trạng bỏ hoang đất, xã đã thông báo đến các hộ về tình hình nắng hạn; đồng thời, tập trung rà soát từng khu vực chủ động nước để bố trí cây trồng hợp lý. Quá trình chuyển đổi gặp nhiều thuận lợi với sự quan tâm của ngành chức năng trong việc hỗ trợ nông dân giống đậu xanh, cỏ, bắp lai. Anh Ô Rai Học, thôn Rồ Ôn, chia sẻ: Được hỗ trợ 15 kg giống, gia đình chuyển 3 sào đất lúa sang trồng bắp gần 2 năm nay, sau mỗi vụ thu hoạch đều cho năng suất khá, thu nhập cao gấp đôi so với trồng lúa. Chị Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã Phước Hà, nhìn nhận: Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước trong thời gian qua đã tạo động lực cho bà con địa phương có điều kiện nâng cao thu nhập, với những mô hình chuyển đổi phù hợp, 25 ha đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây đã được hồi sinh.
Ngoài chuyển đổi một số cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi, trên địa bàn huyện còn hình thành vùng cây ăn quả quy mô tập trung, với trên 46 ha bưởi da xanh, mãng cầu, mít, dừa, tạo ra khối lượng sản phẩm dồi dào, mang lại thu nhập đáng kể cho các nông hộ. Không chỉ thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cây trồng, huyện còn chú trọng vận động nông dân thực hiện mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Điển hình như Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố tham gia cung ứng giống, bao tiêu toàn bộ đậu xanh, bắp sau khi thu hoạch; Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang cho ứng trước vật tư, phân bón và thu mua mía của nông dân xã Nhị Hà, với sản lượng đạt trên 600 ngàn tấn/năm. Đáng chú ý hơn, huyện còn huy động nguồn lực từ người dân nâng cấp, sửa chữa kênh mương nội đồng, với 100% tuyến kênh được bê-tông, tổng chiều dài gần 119 km, đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao hệ số sử dụng đất.
Từ chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Thuận Nam đã thu được những kết quả nhất định trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa, vùng gò đồi chuyển sang cây trồng tiết kiệm nước đạt gần 310 ha, các khu vực chuyển đổi đều mang lại thu nhập cao, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng và góp phần quan trọng vào quá trình giảm nghèo tại địa phương.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Nhằm đảm bảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng kế hoạch đề ra và phát triển bền vững, thời gian tới, bên cạnh thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, huyện tiếp tục ưu tiên phát triển, mở rộng các loại cây trồng chủ lực bố trí trên vùng đất thích hợp; đồng thời, duy trì mối liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hồng Lâm