Mặc dù nhiều chiến dịch tìm kiếm quy mô đã kết thúc, song Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đưa ra cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm “Chỉ cần còn hi vọng, chúng ta sẽ phải tiếp tục nghĩ cách và phương pháp để biết được số phận chiếc máy bay”.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) đã biến mất một cách bí ẩn, cách đây tròn 5 năm, vào ngày 8-3-2014.
Mất tích bí ẩn
Sân bay Kuala Lumpur của Malaysia, 0 giờ 40 phút, ngày 8-3-2014.
Chuyến bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bắt đầu cất cánh trên chặng bay thường lệ, dự kiến sẽ đến Bắc Kinh vào 6h30’ sáng cùng ngày. Trên máy bay có 239 người, bao gồm 227 hành khách, trong đó có 2 trẻ sơ sinh và 12 thành viên phi hành đoàn.
Hành trình bắt đầu một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, sau 2h bay, MH370 đột ngột biến mất khỏi màn hình radar và ngừng liên lạc với Trung tâm kiểm soát không lưu Subang. Vị trí cuối cùng của nó được chính thức ghi nhận tại vị trí 6 độ 56 phút Bắc, 103 độ 35 phút Đông, thuộc vùng biển cách mũi Cà Mau của Việt Nam 120 hải lý (khoảng 230 km) về phía Tây Nam.
Ngay sau khi nhận được thông báo chiếc máy bay mất tích, Việt Nam đã tích cực tham gia cùng nhóm tìm kiếm quốc tế trên khu vực thuộc lãnh hải Việt Nam nhưng không ghi nhận kết quả khả quan nào. Đến ngày 15-3-2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak (Na-gíp Ra-dắc) xác nhận máy bay số hiệu MH-370 đã chuyển hướng quay ngược về khu vực Bắc Malaysia về phía Ấn Độ Dương và bay thêm ít nhất 7 giờ kể từ khi mất tín hiệu với mặt đất. Tín hiệu tự động cuối cùng của máy bay được phát đi lúc 8h sáng được vệ tinh tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Chính quãng thời gian bay nhiều giờ sau khi mất liên lạc đã khiến công tác khoanh vùng định vị khu vực tìm kiếm chiếc máy bay càng thêm khó khăn và mơ hồ. Việc tìm kiếm hầu như phải dựa vào hình ảnh được chụp từ vệ tinh do các quốc gia chia sẻ, mà vốn dĩ những hình ảnh này cũng không rõ ràng và chính xác.
Từ Biển Đông, công tác tìm kiếm cứu nạn sau đó đã được mở rộng tới phía tây bờ biển Australia, nơi mà các chuyên gia phát hiện hàng loạt tín hiệu liên lạc giữa MH370 với vệ tinh liên lạc Inmarsat, cùng với phỏng đoán chuyến bay thực tế có thể đã hướng về phía Ấn Độ Dương và bay trong vòng nhiều giờ trước khi rơi tại đâu đó trên vùng biển này. Rất nhiều tàu thuyền cùng với các trang thiết bị tối tân đã được đưa vào sử dụng, trong đó có một số thuyền được trang bị công cụ hiện đại có thể tìm kiếm ở độ sâu lên tới 6.000m dưới mực nước biển hay tàu ngầm không người lái có khả năng tiếp cận các vách núi ngầm hoặc vực sâu.
Các cuộc tìm kiếm chính thức được quốc tế hỗ trợ đã kết thúc vào tháng 1/2017, tiêu tốn hơn 150 triệu USD chi phí mà không mang lại kết quả. Sau đó, cuộc tìm kiếm mới được thực hiện trên nguyên tắc “không tìm thấy, không lấy tiền”, được thực hiện bởi công ty Mỹ Ocean Infinity – cũng đã kết thúc vào 5-2018 sau 90 ngày tìm kiếm vô vọng ở 112.000 km2 thềm phía nam Ấn Độ Dương. Trong suốt 5 năm, hơn 30 mảnh vỡ, được cho là của máy bay MH370, được tìm thấy dọc bờ biển khu vực này, song chỉ có 3 mảnh được xác định là của chiếc máy bay xấu số. Nhiều giả thuyết khác nhau về chuyến bay được đưa ra, nhưng phần lớn số đó đều không có căn cứ chắc chắc hoặc chưa được kiểm chứng.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã đưa ra cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm “Chỉ cần còn hi vọng, chúng ta sẽ phải tiếp tục nghĩ cách và phương pháp để biết được số phận chiếc máy bay”.
Những vấn đề còn lại
Đối với thế giới, MH370 là một vụ mất tích bí ẩn không có lời giải, nhưng đối với những thân nhân hành khách cũng như phi hành đoàn trên chuyến bay, vụ mất tích là một nỗi đau khôn nguôi, là sự trăn trở day dứt vì số phận người thân của họ vẫn chưa được sáng tỏ. Hằng năm, vào ngày 8-3, người dân Malaysia vẫn tổ chức kỷ niệm và cầu nguyện cho những người có mặt trên chiếc máy bay xấu số.
Trong khi đó, những chuyên gia lại đánh giá vấn đề ở một khía cạnh khác. Việc chiếc MH-370 bay qua những không phận rộng lớn mà không bị các radar phát hiện, cho thấy có lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát không lưu của khu vực, hay rộng hơn nữa là hệ thống phòng không của mỗi quốc gia.
Để có một bức ảnh chi tiết về các máy bay lưu thông trên bầu trời, đài kiểm soát không lưu phải kết hợp tín hiệu từ radar và tín hiệu từ bộ tiếp sóng (nhận và phát tín hiệu) trong buồng lái của máy bay. Tuy nhiên, hệ thống tiếp sóng này dường như không hoạt động trong quãng thời gian chiếc MH-370 mất tín hiệu với mặt đất. Điều này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về việc triển khai các hệ thống theo dõi máy bay theo thời gian thực hay qua vệ tinh để tránh khả năng máy bay mất tích bí ẩn, đồng thời xem xét lại khả năng cho phép phi công ngắt hệ thống liên lạc, nhằm phòng tránh những tình huống tương tự có thể lặp lại.
Nỗ lực tìm kiếm MH370 vẫn chưa dừng lại, dù hy vọng ngày càng ít ỏi. Đó không chỉ là việc tìm kiếm câu trả lời cho vụ mất tích bí ẩn nhất thế kỷ, mà còn là thử thách đối với sự kiên trì, cũng như khám phá những giới hạn của công nghệ kiểm soát mà loài người đang không ngừng tìm cách hoàn thiện.
Theo TTXVN