Vụ đông - xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh gieo trồng 26.500 ha; trong đó, lúa 16.490ha, bắp 2.950 ha, diện tích còn lại là rau màu. Thời điểm hiện nay, trà lúa chính vụ gieo đầu tháng 1 đang ở giai đoạn đẻ nhánh, bà con ra đồng làm cỏ, bón phân đợt 2. Vụ này, ngoài việc tiếp tục duy trì 14 cánh đồng lớn (CĐL), thì điểm mới là lần đầu huyện Ninh Phước triển khai thí điểm mô hình CĐL san phẳng bờ thửa ở thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, quy mô 4 ha. Ghi nhận của chúng tôi tại những CĐL lúa phát triển tốt, đều hàng nhờ ngay đầu vụ các hợp tác xã hợp đồng với chủ máy cày áp dụng kỹ thuật làm đất nhuần nhuyễn, sử dụng máy gieo sạ theo hàng, nên hạn chế cỏ dại phát sinh.
Nông dân tỉnh ta áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Nỷ.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác hỗ trợ nông dân triển khai mô hình CĐL có hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp thực hiện các biện pháp dự báo tình hình sâu bệnh để chủ động phòng, trừ. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cũng đã triển khai kế hoạch điều tiết nước hợp lý theo hướng tiết kiệm nhằm duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất không những cho đến cuối vụ đông - xuân mà cả những vụ tiếp theo trong năm 2019.
Tại những vùng đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng nho, táo, măng tây xanh, nông dân áp dụng kỹ thuật mới chăm sóc cây trồng như đưa vào sử dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Những mô hình tưới nhỏ giọt rải dây theo hàng song song, áp dụng cho những vườn nho trồng mật độ cao, địa hình dốc đều; tưới nhỏ giọt quấn gốc, áp dụng cho những vườn có địa hình phức tạp, mật độ trồng theo tiêu chuẩn hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây từ 1,5-2m; tưới phun mưa tầm thấp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều hộ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước dẫn chất dinh dưỡng thông qua máy bơm và cụm điều khiển trung tâm tới gốc cây là bước đột phá mới trong kỹ thuật chăm sóc cây trồng ở vụ này. Để tránh tình trạng trái táo bị ruồi vàng đục, giảm liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng, một số hộ áp dụng mô hình trồng táo phủ lưới kín vườn. Anh Đỗ Thành Thanh ở khu phố 10, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), cho biết: Với cách làm đơn giản, chi phí đầu tư khoảng từ 12 đến 24 triệu đồng/sào nhưng rất hiệu quả, khi phủ lưới việc thụ phấn và kết trái của cây táo đạt tỷ lệ cao vì tránh được nhiều loại côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng gây hại.
Nông dân huyện Ninh Phước chăm sóc lúa vụ đông - xuân 2018-2019.
Ở những vùng trọng điểm trồng mía, mỳ thuộc các huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái, công tác hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ thực vật được tăng cường do có sự chuyển dịch đối tượng cây trồng kéo theo tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. Trước tình hình giá mía đường giảm, nhiều hộ ở huyện Ninh Sơn tự phát mở rộng diện tích trồng cây mỳ trong niên vụ 2018-2019, sử dụng giống trôi nổi trên thị trường chất lượng kém. Đồng chí Dương Đăng Minh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện bệnh khám lá trên cây mỳ đã bùng phát, nhất là ở xã Hòa Sơn tốc độ lây lan nhanh. Qua điều tra, khảo sát, những khu vực bị bệnh đều sử dụng giống có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh, ngành chức năng đã tổ chức khoanh vùng tiêu hủy diện tích mỳ bị bệnh khám lá; đồng thời, khuyến cáo bà con không sử dụng giống mỳ trôi nổi ngoài thị trường chưa qua kiểm định sản xuất trong vụ tới.
Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong vận động nông dân áp dụng kỹ thuật mới chăm sóc cây trồng, tin tưởng sản xuất vụ đông - xuân 2018-2019 thu được nhiều thành quả.
Anh Tùng