Hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Trump đã bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh hai ngày tại Hà Nội song không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do sự khác biệt về những gì Bình Nhưỡng sẽ làm để phi hạt nhân hóa và những gì Washington sẽ đáp lại.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng ngày tối 28-2 theo giờ Mỹ (tức sáng 1-3 theo giờ Hà Nội) cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội, phía Triều Tiên đã đề nghị dỡ bỏ "toàn bộ các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế và đời sống nhân dân, nhưng không bao gồm các trừng phạt liên quan đến vũ khí". Theo quan chức trên, phía Triều Tiên cũng đề xuất đóng cửa "một phần" tổ hợp hạt nhân Yongbyun. Người này cũng cho biết trong đề xuất của Triều Tiên không có khái niệm về phi hạt nhân hóa.
Trước đó, trong cuộc họp báo tổ chức tại khách sạn Melia (Hà Nội), Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết Triều Tiên đã đưa ra đề xuất "mang tính thực chất", đó là dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Bình Nhưỡng muốn 5 nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc được dỡ bỏ, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt liên quan đến đời sống của người dân Triều Tiên. Ông Ri Yong-ho nhấn mạnh Bình Nhưỡng mong muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ "một phần" chứ không phải toàn bộ. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cũng cho biết thêm rằng nếu Mỹ có đề nghị tái đàm phán trong tương lai thì đề xuất này cũng không thay đổi.
Trong bài phát biểu nhân ngày Hàn Quốc kỷ niệm 100 năm Phong trào Độc lập (1-3), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội là một tiến trình hướng tới một thỏa thuận "ở cấp độ cao hơn", mặc dù hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc gặp này. Tổng thống Moon Jae-in đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Seoul trong việc làm cầu nối giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông nêu rõ: "Điều quan trọng là họ thậm chí đã thảo luận về việc thiết lập một văn phòng liên lạc ngoại giao giữa hai bên, một bước quan trọng để hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương. Tôi đánh giá cao Tổng thống Trump, ông đã thể hiện những cam kết tiếp tục đối thoại và có những quan điểm rất lạc quan".
Seoul trước đó đã bày tỏ hy vọng rằng một sự đột phá tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho nỗ lực mở rộng giao lưu và các dự án liên Triều bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc cho rằng sáng kiến hòa bình của mình có thể tạo thêm động lực khi giao lưu liên Triều gia tăng trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả các lĩnh vực kinh tế. Các lệnh trừng phạt, tuy nhiên, đã cản trở khi cấm gần như tất cả các giao dịch với Triều Tiên.
Ông Cheong Seong-chang, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc, bình luận: "Chính phủ Hàn Quốc, vốn đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Triều Tiên và Mỹ, chắc hẳn đã rất bối rối. Khó mong đợi có bước tiến lớn trong quan hệ liên Triều trong thời gian tới. Điều an ủi là ông Trump dường như sẽ vẫn khôn ngoan để tiếp tục đàm phán với Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc nên tăng cường tham vấn với Mỹ và Triều Tiên để Hội nghị Thượng đỉnh lần ba giữa hai nước này thành công”.
Hàn Quốc đã nỗ lực mở rộng hợp tác xuyên biên giới, tin rằng điều đó sẽ giúp thúc đẩy hòa giải và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng Tư năm ngoái, hai bên đã tổ chức các cuộc hội đàm cấp chuyên viên để thảo luận về các dự án chung trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm y tế, lâm nghiệp và truyền thông. Hàn Quốc đã mở một văn phòng liên lạc tại thị trấn vùng biên Kaesong của Triều Tiên để mở rộng trao đổi và liên lạc liên Triều. Hai bên thậm chí đã khởi động một dự án kết nối các hệ thống đường sắt và đường bộ qua biên giới. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, mọi thứ đã dậm chân tại chỗ do rõ ràng có những lo ngại rằng việc triển khai các dự án này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa chậm hơn dự kiến ở Triều Tiên.
Một “nạn nhân chính” có thể là dự án chung của hai miền Triều Tiên kết nối lại hệ thống đường bộ và đường sắt mà các nhà lãnh đạo hai bên đã nhất trí thúc đẩy. Mặc dù đã khởi công hồi tháng 12 năm ngoái, song dự án này vẫn dậm chân tại chỗ. Trên thực tế, không có hạng mục nào đã được thực hiện.
Việc Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội không có kết quả cũng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của Seoul mở lại khu công nghiệp chung ở Kaesong và nối lại tuyến du lịch đến núi Kumgang trên bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Điều này cũng có thể làm mờ nhạt viễn cảnh về chuyến thăm đầu tiên như đã hứa của ông Kim Jong-un tới Seoul, một sự kiện mà Seoul có thể sử dụng như một cơ hội để hòa giải giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Trump. Chuyến đi tới Seoul, nếu được thực hiện, sẽ là một sự kiện có ý nghĩa vì đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đi qua biên giới liên Triều kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Theo TTXVN