* Trong nước:
- Ngày 2-3-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thành phố Bangdung của Indonesia.
Đọc diễn văn tại đây, Người đánh giá: “Ngày nay tinh thần Băngđung đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân. Các dân tộc bị áp bức đang đứng lên định đoạt lấy vận mệnh của mình và ngày càng thắng lợi...”.
Phát biểu tại lễ trao bằng “Tiến sĩ danh dự” của Đại học Pátgiagiaran, Người tâm sự: “Vinh dự này không chỉ riêng cho cá nhân tôi, mà chung cho cả giới trí thức Việt Nam, cho cả nhân dân Việt Nam; nó biểu thị mối tình cảm khăng khít của giới trí thức và nhân dân Indonesia với nhân dân Việt Nam...”. Hướng về nam nữ sinh viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ: “Con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ được vận mệnh của xã hội và của bản thân mình. Thế hệ thanh niên là như mùa xuân, như vì sao mới mọc...”.
- Ngày 2-3-2018: Nữ dịch giả Việt Nam đoạt giải thưởng toàn cầu Andersen năm 2018.
Nữ dịch giả văn học thiếu nhi Trần Thị Minh Tâm của Việt Nam là một trong 3 người giành được Giải thưởng Hans Christian Andersen toàn cầu năm 2018. Giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của dịch giả Trần Thị Minh Tâm trong việc phổ biến rộng rãi các tác phẩm của bậc thầy kể truyện cổ tích Hans Christian Andersen tại Việt Nam. Dịch giả Trần Thị Minh Tâm là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được trao Giải thưởng này.
Hơn 20 năm gắn bó với các tác phẩm văn học Andersen, dịch giả Trần Thị Minh Tâm đã cho ra đời một tuyển tập bao gồm 88 truyện cổ tích thiếu nhi vào năm 2003. Sau đó, bộ sách được cập nhật lên hơn 100 truyện. Tuyển tập này đã được tái bản 16 lần và một ấn bản nữa được phát hành trong năm 2018. Thông qua các tác phẩm dịch của mình, dịch giả Trần Thị Minh Tâm đã góp phần đưa thế giới cổ tích đầy màu sắc hấp dẫn của Andersen đến với độc giả Việt Nam, truyền cảm hứng cho công chúng không chỉ trong lĩnh vực văn học, mà còn trong các môn nghệ thuật hình ảnh, âm nhạc và kịch. Nhờ vậy, truyện cổ tích Andersen đã đi theo tuổi thơ mỗi trẻ em Việt Nam.
* Thế giới:
- Ngày 2-3-1923: Tờ thời báo TIME ra số đầu tiên ở Mỹ.
TIME là một tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ.
Cách viết tắt, những chữ cái trong từ “TIME” biểu tượng cho dòng chữ “The International Magazine of Events” (tạm dịch: một tạp chí quốc tế cho những sự kiện).
Một trong những sự kiện nổi bật hàng năm là cuộc bầu chọn Nhân vật của năm (Person of the Year, trước năm 1999 là Man of the Year) trong một ấn bản đặc biệt. Danh hiệu này nhằm tôn vinh người có tầm ảnh hưởng lớn nhất với cả thế giới trong một năm vừa qua. Đây được xem là cuộc bình chọn có uy tín và được chờ đợi nhất trên thế giới.
- Ngày 2-3-2004: Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng thành công tàu vũ trụ Rosetta.
Rosetta là tàu vũ trụ không người lái có nhiệm vụ chính là quan sát sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên được thiết kế để hoạt động trên một quỹ đạo xung quanh và phóng thiết bị đổ bộ xuống bề mặt của nhân sao chổi. Rosetta bao gồm hai thành phần chính:
+ Tàu mẹ: được chế tạo chủ yếu bằng nhôm, có dạng hình hộp chữ nhật với các thiết bị khoa học, thiết bị truyền thông, nhiên liệu và các động cơ phản lực để hiệu chỉnh quỹ đạo. Toàn bộ khối lượng của tàu vũ trụ lúc phóng khoảng 2900 kg.
+ Thiết bị đổ bộ: có dạng hình trụ lục giác. Khối lượng của thiết bị đổ bộ vào khoảng 100 kg.
- Ngày 2-3-2010: Hàn Quốc “trình làng” tàu siêu tốc tự sản xuất đầu tiên.
Đây là một ngày trọng đại đánh dấu sự vận hành của loại tàu siêu tốc đầu tiên do chính các kỹ sư Hàn Quốc nghiên cứu phát triển.
Tàu siêu tốc “phiên bản” mới này có thể đạt tới vận tốc 350km/giờ, tương đương vận tốc của loại tàu siêu tốc công nghệ Pháp và hoạt động trên tuyến nối thủ đô Seoul với thành phố Pusan ở miền Đông Nam và Seoul-Goangchu ở miền Tây Nam nước này.
Việc ra mắt các tàu siêu tốc “Made in Korea” 100% đã đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ 4 trong số các quốc gia phát triển về tàu cao tốc, chỉ sau Pháp, Đức và Nhật Bản.
Để đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển loại tàu siêu tốc này, Hàn Quốc đã chi khoảng 226 tỷ won (196 triệu USD) kể từ năm 1996.
Theo TTXVN