Điểm tựa
Điển hình như ông Pi Năng Thiên, NCUT ở xã Phước Bình (Bác Ái). Với kinh nghiệm của bản thân, ông Pi Năng Thiên đã vận động bà con tận dụng những mảnh vườn, thửa đất quanh nhà và các vùng đất dốc, đất ven sông, ven suối lâu nay trồng bắp, trồng đậu kém hiệu quả chuyển sang trồng chuối, sầu riêng và bưởi da xanh. Nhờ đó, trong 3 năm gần đây, diện tích bưởi da xanh của xã Phước Bình đã tăng lên gần 150ha, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Với đặc tính cho thu hoạch quanh năm cũng như giá cả ổn định, cây bưởi da xanh đang được xem là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương giúp bà con vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn. Bà con Raglai nơi đây luôn dành sự quý trọng, biết ơn ông Thiên. Bởi ông không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn người tiếp lửa để đồng bào Raglai quê ông nhận ra giá trị của mảnh đất nơi mình đang sống, qua đó nỗ lực thi đua lao động sản xuất và thoát nghèo bền vững.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai
xã Phước Bình (Bác Ái) có thu nhập ổn định từ cây bưởi da xanh. Ảnh: V.T
Hay ông Đá Mài Ca, NCUT ở xã Phước Chiến (Thuận Bắc). Ông vinh dự được 3 lần ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để tham quan và học tập kinh nghiệm. Chính nhờ những chuyến đi này được gặp gỡ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước và NCUT của cả nước, ông đã tiếp thu kinh nghiệm và giúp ông vững tin và đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Nhất là giáo dục con cháu và bà con Raglai biết bảo tồn bản sắc văn hóa Raglai trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trước sự mai một của văn hóa Raglai, những năm qua, ông Đá Mài Ca tích cực vận động và cùng với các nghệ nhân trong thôn phục dựng Lễ Bỏ mả của người Raglai. Đội nghệ nhân của xã Phước Chiến đã 2 lần biểu diễn quảng bá văn hóa Raglai tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Sự đóng góp của ông đã đem lại kết quả tự hào, khi vào tháng 10-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ Bỏ mả của người Raglai, xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Đá Mài Ca, cho biết: NCUT phải am hiểu thực tiễn ở địa phương, hiểu các phong tục, tập quán, từ đó, tuyên truyền, vận động mới mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong công tác vận động, tuyên truyền không phải lúc nào cũng đơn giản nên phải gương mẫu, nói sao cho người dân nghe, làm thế nào cho mọi người thấy mới quan trọng. Để tiếng nói của mình thật sự có uy tín, thì bản thân và gia đình luôn phải gương mẫu, cùng với đó là vận động con, cháu sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Cầu nối
Ông Pi Năng Thiên, Đá Mài Ca chỉ là 2 trong nhiều tấm gương NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có có 27 thành phần DTTS sinh sống với dân số có 36.088 hộ/164.725 khẩu, chiếm 23,5% so với dân số toàn tỉnh. NCUT được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018 là 124 người.
Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những NCUT đã được bầu chọn thuộc nhiều thành phần, dân tộc khác nhau, nhưng bằng chính trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự am hiểu phong tục tập quán bản địa và sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần khá vững chắc đối với đồng bào DTTS. Bằng uy tín của mình, họ đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển KT-XH tại địa phương; thuyết phục những người lầm đường lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng; giáo dục các thế hệ con, cháu giữ gìn thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.
Không chỉ là những tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, họ còn tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, NCUT đã tích cực phối hợp với cấp ủy, Ban tự quản vận động Nhân dân thực hiện, chấp hành những quy ước, hương ước của thôn, xóm. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thi đua lao động, sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS. Những đóng góp của đội ngũ NCUT trên toàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao, được Nhân dân tin tưởng và tôn vinh.
Tại hội nghị biểu dương NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS đầu năm 2019, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thực tế hoạt động của NCUT trên địa bàn tỉnh đã và đang là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển KT-XH, QP-AN của địa phương. Họ thực sự là “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền trong tiến trình xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đội ngũ NCUT tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua và phát huy vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS toàn diện, nhanh và bền vững, ưu tiên giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Xuân Bính