Theo đó, Công an tỉnh đã đưa ra 4 thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã xảy ra để cảnh báo đến người dân, gồm: Đối tượng giả danh cơ quan chức năng sử dụng điện thoại gọi vào số điện thoại của người dân, tự xưng là cán bộ Công an, cán bộ Viện Kiểm sát, Tòa án... đang thụ lý điều tra vụ án liên quan đến ma túy, buôn lậu, rửa tiền; đe dọa sẽ bắt giữ để điều tra, truy tố, xét xử. Nếu muốn vụ việc được giải quyết ổn thỏa, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp, sau khi nhận được tiền đối tượng sẽ khóa máy điện thoại, khóa tài khoản.
Thủ đoạn thứ hai, đối tượng giả danh là cán bộ Cảnh sát Môi trường, Cục Thuế tỉnh để lừa đảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Dùng thủ đoạn như thông báo đến cơ sở sắp tới sẽ có đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát Môi trường, cơ quan Thuế xuống kiểm tra các cơ sở. Qua đó, đe dọa nếu cơ sở sai phạm về pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật về thuế sẽ bị xử phạt nặng, sau đó chúng gợi ý cơ sở phải gửi trước cho đoàn kiểm tra tiền bồi dưỡng nước uống để tránh bị xử phạt; giao dịch bằng hình thức nhân viên bưu điện sẽ đem tài liệu, sách pháp luật... đến cơ sở, buộc cơ sở trả tiền tài liệu theo số tiền ghi trên bưu phẩm cho nhân viên bưu điện.
Thủ đoạn thứ ba, đối tượng giả danh lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ; các cơ quan như: Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO), Sở Kế hoạch và Đầu tư... để liên hệ các trường học, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu mua sách tài liệu, hồ sơ với giá rất cao để trục lợi.
Thủ đoạn thứ tư, đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn thông báo đến cá nhân đã may mắn trúng thưởng với giá trị giải thưởng cao của các chương trình có thưởng và yêu cầu chuyển tiền trước để hoàn tất thủ tục nhận thưởng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Với các thủ đoạn này, thời gian qua, lực lượng Công an đã tăng cường thông tin tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhiều trường hợp có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, các đối tượng lợi dụng tâm lý cả tin, không nắm vững các quy định pháp luật của một số cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Bên cạnh đó, một số cá nhân mặc dù không hề liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm nhưng vẫn tin vào lời đe dọa của đối tượng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp, dẫn đến việc lừa đảo, chiếm đoạt một số tiền lớn.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đề nghị các cơ quan, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có biện pháp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân nhận thức rõ, cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tội phạm của các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan chức năng để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì kịp thời báo về cơ quan Công an gần nhất để phối hợp, đấu tranh, xử lý.
B.H