Một ngày đầu tháng 12-2018, chúng tôi vượt hơn 70 km từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đến thăm Trạm Kiểm lâm Bạc Rây, xã Phước Bình (Bác Ái). Trạm có 4 nhân viên, năm nào cũng vậy, ngay từ đầu tháng Chạp là nhận được lệnh ở lại trực Tết, cũng có nghĩa là ăn Tết trong rừng. Anh Bạch Văn Tú, Trạm trưởng, cho biết: Do địa bàn phức tạp, “lâm tặc” thường lợi dụng dịp Tết để phá rừng, nên đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng ở các chốt, túc trực 24/24 giờ, bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến Mùng 10 Tết. Để giữ rừng, những ngày Tết, anh em ở trạm phối hợp với lực lượng công an, các tổ cộng đồng, tuần tra nghiêm ngặt từng khu vực. Do lâm phần của Vườn Quốc gia Phước Bình là vùng trọng điểm, lại giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, một số tiểu khu nằm rất xa trạm, đường đi rất khó khăn, anh em cũng phải theo tận lên đó để rà soát, chốt chặn. Khó khăn lắm, vất vả lắm, nhưng vì nhiệm vụ nên ai nấy đều không nề hà.
Cán bộ Trạm Kiểm lâm Phước Trung (Bác Ái) phối hợp với Tổ cộng đồng
xã Phước Trung kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Trong số các nhân viên ở trạm, thì anh Bạch Văn Tú là người có thâm niên “ngủ rừng” nhiều nhất. Với 17 năm trong nghề không phải là quá dài với một kiểm lâm viên, nhưng chừng đó thời gian sống cùng rừng, không có chỗ nào mà anh không tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào anh không trải qua. Chính những năm tháng đó đã khiến cho tình yêu thiên nhiên trong anh thêm mãnh liệt, hết lòng với công việc giữ rừng. Anh Tú tâm sự: Những năm đầu mới lên nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng khu vực xã Phước Bình, thiếu thốn đủ thứ, bốn bề nhìn ra chỉ có rừng, buồn lắm, nhưng tôi không nản lòng. Bây giờ giao thông thuận tiện hơn, song công việc giữ rừng lại vất vả hơn, gian nan bởi lâm tặc hoạt động ngày càng manh động. Chính vì vậy, để giữ được rừng, đặc biệt là những ngày lễ, tết anh em phải vác ba lô vào rừng, không để lâm tặc lợi dụng cơ hội để vận chuyển lâm sản trái phép. “Công tác bảo vệ rừng gian khổ và nguy hiểm là vậy, nhưng giữ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của cả đơn vị. Vào nghề là phải chấp nhận khó khăn, đặc biệt những ngày Tết thì càng phải tăng cường cảnh giác” - Anh Tú trải lòng.
Tạm biệt Vườn quốc gia Phước Bình, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Trạm bảo vệ rừng Tân Giang, xã Phước Hà (Thuận Nam), nơi đóng quân của 5 nhân viên làm công tác bảo vệ hơn 9.000 ha rừng. Bên ly trà nóng, anh Quảng Đại Duy Tuyên, Trưởng trạm mở đầu câu chuyện: Tết với anh em chúng tôi cũng giống như ngày thường, đôi khi còn vất vả hơn, bởi mỗi đợt tuần tra, truy quét, anh em phải vượt cả chục km đường rừng, trèo đèo, lội suối, vai vác tư trang và lương thực để sống trong rừng dài ngày. Nhiều khi hai đầu gối nhức ê ẩm, toàn thân mệt lã, nhưng anh em động viên nhau gắng sức. Đi tuần tra bảo vệ rừng bất kể thời tiết nắng, mưa, ngày lễ, tết và các cuộc tuần tra cả ban đêm, đường tắt, đường vòng tuyệt đối không lộ thông tin để “lâm tặc” trốn tránh.
Với những người làm nhiệm vụ giữ rừng, Tết cũng là thời điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phá rừng và trực phòng, chống cháy rừng. Bởi đây là cao điểm của mùa khô, cộng với việc các đối tượng xấu thường lợi dụng những ngày tết để thực hiện các hành vi khai thác lâm sản trái phép. Anh Hán Tấn Vĩnh Hoài, Phó Trạm Bảo vệ rừng Tân Giang có 16 năm gắn bó với rừng, cho biết: Khu vực rừng ở địa bàn xã Phước Hà luôn là “điểm nóng” về phá rừng, đặc biệt là các Tiểu khu 183, 185, 195 giáp ranh với huyện Ninh Sơn. Ngày tết, cả đơn vị phải tổ chức trực 24/24 giờ để kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Vừa nhâm nhi ly trà, anh Hoài nói: “Lâm tặc” không chỉ hung hăng, liều lĩnh sẵn sàng dùng hung khí chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy đuổi, mà chúng còn gửi cả tin nhắn đe dọa, uy hiếp, đã làm nghề sao tránh khỏi chuyện phải đối mặt với hiểm nguy. Tôi còn nhớ Tết năm 2014, sau khi bố trí lực lượng phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn tuần tra vùng trọng điểm trở về chuẩn bị đón giao thừa, thì nhận được tin có một nhóm đối tượng vào rừng giáp ranh thuộc tiểu khu 195 để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Ngay tức tốc, cả đội tiến hành chặn chốt bắt giữ. Lúc này lực lượng chỉ còn lại 3 người, nhưng “lâm tặc” có khoảng 6 người chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Sau gần 2 giờ đấu tranh với nhóm phá rừng, chúng tôi đã khống chế được các đối tượng đưa về trạm để xử lý.
Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng gian nan, vất vả là vậy, nhưng với trách nhiệm được giao và tình yêu rừng, các anh vẫn ngày đêm tích cực bám dân, bám rừng để bảo vệ màu xanh cho đại ngàn. Anh Tuyên, chia sẻ: Ngày Tết, nhìn những cánh rừng được giao nhiệm vụ bảo vệ vươn lên xanh tươi, chúng tôi lấy đó là niềm vui, là món quà Xuân ý nghĩa.
Tiến Mạnh