Nhất trí nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2023
Chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến Trung Quốc diễn ra trong 4 ngày, từ 20 đến 23-1-2019. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Hun Sen đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội kiến Thủ tướng Lý Khắc Cường, gặp gỡ với Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc Lật Chiến Thư và Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân (Chính Hiệp) Trung Quốc Uông Dương. Tại các cuộc gặp, hai bên đều khẳng định cam kết sẵn sàng tăng cường hợp tác song phương.
Trong đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoan nghênh chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thời gian qua quan hệ hai nước luôn phát triển ở mức độ cao và được thể hiện qua sự phối hợp trao đổi mật thiết trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện tại quan hệ Trung Quốc-Campuchia đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, Trung Quốc mong muốn nỗ lực cùng Campuchia xây dựng cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược, làm rõ hơn nữa trọng điểm hợp tác, xây dựng quy hoạch phát triển, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Campuchia lên tầm cao mới.
Đáp lại, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá cao những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được sau 40 năm cải cách mở cửa, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn. Thủ tướng Campuchia cho rằng, thời gian qua hợp tác chiến lược toàn diện và quan hệ hữu nghị truyền thống Campuchia-Trung Quốc không ngừng được củng cố, đẩy mạnh, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với Campuchia. Thời gian tới, hai bên cần tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như đời sống dân sinh, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, du lịch, cơ sở hạ tầng… tăng cường phối hợp trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời hiểu và ủng hộ các vấn đề quan trọng của mỗi bên.
Nhân chuyến thăm này, Campuchia và Trung Quốc đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý là việc Trung Quốc cam kết hỗ trợ Campuchia 4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 588 triệu USD) trong giai đoạn từ năm 2019-2021. Trung Quốc còn cam kết nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Campuchia trong năm nay, nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2023, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư hơn nữa vào Campuchia.
Cũng nhân chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới Trung Quốc, hai bên đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy đầu tư và thương mại Trung Quốc-Campuchia 2019 nhằm tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.
Nhiều cơ hội hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia
Campuchia và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1958. Sau Hiệp định hòa bình Campuchia ký tại Paris (Pháp) năm 1991, quan hệ Campuchia - Trung Quốc dần hồi phục và phát triển. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc và Campuchia luôn coi trọng việc củng cố và phát triển mối quan hệ song phương.
Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Campuchia. Chỉ riêng trong 2 năm (2016-2017), Trung Quốc và Campuchia đã ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác song phương. Trong chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (tháng 1-2018), hai nước cũng đã ký kết đến 19 văn kiện hợp tác.
Trung Quốc hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia trong giai đoạn năm 2013-2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia giai đoạn này tổng cộng lên tới 5,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia là 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này.
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2017. Xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm các sản phẩm nông nghiệp như gạo, sắn, hạt điều, dầu cọ và cao su, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Campuchia chủ yếu là ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng, vải, thuốc lá và phân bón.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước đã dành cho Campuchia những khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi lớn. Tính đến năm 2017, Campuchia đã nhận được khoảng 4,2 tỷ USD dưới hình thức viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc.
Có thể thấy, sự đầu tư của Trung Quốc đã làm giúp thay đổi một phần diện mạo đất nước Campuchia. Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giúp Campuchia cải thiện cơ sở hạ tầng, kết nối với khu vực và tăng tính cạnh tranh. Đến cuối năm 2017, Campuchia đã có hơn 2.000 km đường, 7 cây cầu lớn và một cảng mới được xây dựng với sự hỗ trợ và đầu tư từ Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào ngành dệt may của Campuchia cũng giúp nước này phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho nửa triệu công nhân.
Trong lĩnh vực du lịch, Trung Quốc đầu tư nhiều dự án lớn tại Campuchia, trong đó có một tổ hợp nghỉ dưỡng quốc tế ở tỉnh Koh Kong, một tổ hợp nghỉ dưỡng và khách sạn năm sao tại Preah Sihanouk. Khách du lịch Trung Quốc đến Campuchia đạt hơn 1 triệu lượt trong năm 2017, mang lại 700 triệu USD cho nền kinh tế Campuchia.
Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về năng lượng ở Campuchia, với tổng số vốn lên tới hơn 7,5 tỷ USD cho 7 nhà máy thủy điện, khoảng 4 tỷ USD cho 2 nhà máy điện chạy bằng than đá.
Có thể thấy, thông qua các cam kết viện trợ và đầu tư cho Campuchia, các nhà phân tích nhận định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia đang được đẩy mạnh. Chuyến đi của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong tháng 1-2019 này tiếp tục là một cơ hội để hai nước tăng cường hơn nữa sự hợp tác song phương. Đặc biệt chuyến thăm lần này diễn ra ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố áp thuế trở lại đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia (ngày 17-1 vừa qua), do đó, việc Trung Quốc cam kết sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Campuchia trong năm nay tiếp tục cho thấy đây là một sự đảm bảo ổn định cho thị trường xuất khẩu gạo của đất nước chùa Tháp.
Theo TTXVN