Mỹ - “cuộc chiến ngân sách” vẫn chưa có hồi kết

Đề xuất mới của Tổng thống Trump bị bác bỏ

Tình trạng chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần đến nay đã bước sang ngày thứ 30, lập một kỷ lục khó quên trong lịch sử nước Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ không thể thống nhất về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Trong khi Tổng thống Trump yêu cầu khoản chi nêu trên trong dự luật ngân sách liên bang, thì phe Dân chủ kiên quyết phản đối.

Trong một nỗ lực nhằm giúp chính phủ mở cửa trở lại, ngày 19-1, Tổng thống Trump đã thông báo một đề xuất mới nhằm đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ trong vấn đề xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa trong khoảng thời gian kỷ lục.

Theo đó, Tổng thống Trump đề xuất sẽ bảo vệ tạm thời cho 700.000 người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ, còn được gọi là “Dreamers” trong vòng 3 năm và không bị trục xuất khỏi Mỹ cũng như đảm bảo cho khoảng 300.000 người nhập cư khác được hưởng quy chế Tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS) sắp hết hạn. Đổi lại, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục yêu cầu khoản ngân sách 5,7 tỷ USD cho việc xây dựng hàng rào bằng thép kéo dài hơn 390 km dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico, cùng với một số khoản ngân sách như 800 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo, 805 triệu USD cho công nghệ phát hiện thuốc phiện và đề xuất tăng thêm 2.750 nhân viên biên giới.

Tuy nhiên, đề xuất trên của Tổng thống Trump đã ngay lập tức bị lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi cho là "không thể chấp nhận được” và theo bà, kế hoạch này của Tổng thống Trump không thể hiện nỗ lực của một thiện ý tốt nhằm đem lại sự chắc chắn cho những người nhập cư và khó có thể được Hạ viện và Thượng viện thông qua.

Liên tiếp công kích lẫn nhau

Ngay sau khi đề xuất mới của Tổng thống Trump bị bác bỏ, giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ đã có sự công kích qua lại khá gay gắt.

Ngày 20-1-2019, trong một loạt bài đăng trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã chỉ trích mạnh mẽ việc bà Pelosi bác bỏ đề xuất của ông nhằm mở cửa trở lại 1/4 số cơ quan chính phủ đang phải ngừng hoạt động do không có ngân sách. Tổng thống Trump cho rằng bà Pelosi đã trở thành một người "Dân chủ cấp tiến", "hành xử vô lý" khi từ chối đàm phán với Nhà Trắng để chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần, vốn đã bước sang ngày thứ 30, đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump trực tiếp công kích bà Pelosi kể từ khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần (từ ngày 22-12-2018 đến nay).

Tuy nhiên, phớt lờ những chỉ trích của Tổng thống Trump, bà Pelosi trên trang Twitter đã nhấn mạnh đến sự cần thiết chấm dứt thế bế tắc tại Quốc hội. Bà kêu gọi cần phải mở cửa trở lại chính phủ để người lao động có thể được trả lương và sau đó mới nên thảo luận cách thức cùng nhau bảo vệ biên giới.

Nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ

Tính từ khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vào ngày 22-12-2018 đến nay, tình trạng này bước sang ngày thứ 30, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân Mỹ, cũng như khiến nền kinh tế Mỹ có khả năng phải chịu hậu quả tồi tệ.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump và lãnh đạo đảng Dân chủ trong vòng 1 tháng qua đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận, nhưng cho tới nay hai bên vẫn rơi vào thế bế tắc.

Thực tế những cuộc đàm phán chẳng những không khai thông được bế tắc mà nó còn đẩy những mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng leo thang. Theo đó, Nhà Trắng đã đưa ra không ít hành động "làm khó" các nghị sĩ của đảng Dân chủ. Có thể kể đến như việc ngày 18-1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hạn chế việc các nghị sĩ Mỹ di chuyển bằng máy bay do chính phủ quản lý trong thời gian chính phủ nước này đóng cửa một phần, trừ khi được Nhà Trắng chấp thuận. Động thái này của Nhà Trắng được cho là nhằm ngăn không cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sử dụng máy bay quân sự của chính phủ để thực hiện chuyến thăm nước ngoài, và đây còn được xem là đồng thái nhằm “đáp trả” của Nhà Trắng đối với người đứng đầu Hạ viện Mỹ, bởi nguyên nhân chính phủ ngừng hoạt động một phần hiện nay là do dự luật ngân sách về xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico đã không thể được thông qua tại Hạ viện.

Ngoài ra, Tổng thống Trump ngày 17-1 còn thông báo hủy chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới ba nước Bỉ, Ai Cập và Afghanistan bởi ông cho rằng đây là thời điểm bà Pelosi nên ở lại Washington đàm phán giúp chấm dứt tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần.

Trong khi đó, đáp trả lại những động thái trên, Chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng đã đưa ra một loạt các chỉ trích, cáo buộc nhằm vào Tổng thống Trump. Tuần trước, nữ Chủ tịch Hạ viện đã đề nghị Tổng thống lùi thời điểm trình bày thông điệp liên bang, dự kiến vào ngày 29-1, vì lý do các cơ quan liên bang bảo đảm an ninh cho sự kiện này chưa được cấp ngân sách hoạt động.

Trong khi những tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa có hồi kết, thì đến nay hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ, người dân và kinh tế Mỹ vẫn đang phải gánh hậu quả từ tình trạng chính phủ đóng cửa một phần. Cho tới thời điểm này, việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần kéo dài tới một tháng đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc mà không được trả lương. Nhà Trắng ước tính cứ hai tuần đóng cửa chính phủ, Mỹ sẽ bị thiệt hại 0,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi quý.

Theo TTXVN