Hiện nay trong tổng số 65 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh, theo khảo sát có 136 loại mô hình khác nhau trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự (ANTT), bảo vệ môi trường,…đang được duy trì hoạt động tại 402 khu dân cư. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Camera an ninh”, “Dòng họ tự quản về ANTT”, “Xứ đạo yên bình”, “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Dân vận khéo giảm nghèo bền vững”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, các mô hình xây dựng cánh đồng lớn nhằm hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế… Tùy theo lĩnh vực mà có nhiều hay ít mô hình và điểm triển khai, cụ thể lĩnh vực ANTT có 48 mô hình/330 điểm, lĩnh vực bảo vệ môi trường có 26 mô hình/ 225 điểm, lĩnh vực xã hội có 24 mô hình/108 điểm và lĩnh vực kinh tế có 38 mô hình/204 điểm. Nhìn chung các mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường văn minh, sạch đẹp, duy trì nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhiều mô hình tự quản ở các xã, phường của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại cơ sở của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại cơ sở, cho thấy mô hình nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, một số mô hình tự quản ở khu dân cư còn hình thức, còn chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và các thành viên giữa các tổ tự quản. Điển hình như cùng nội dung bảo vệ môi trường nhưng có nhiều mô hình như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường đảm bảo vệ sinh môi trường”,… Cùng là đảm bảo ANTT thì có “ Khu dân cư tự quản đảm bảo ANTT”, “Tiếng kẻng an ninh”,… Còn trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững cũng có quá nhiều các mô hình tương tự. Thậm chí có nơi chưa phân biệt được mô hình tự quản với các phong trào, phần việc, các cuộc vận động khác. Có mô hình chỉ dừng lại ở lễ phát động ra mắt. Như vậy có thể nói dù việc xây dựng, tổ chức các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết, nhưng vấn đề là làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản, phát huy được dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Theo hướng đó, để mô hình tự quản hoạt động mang tính lâu dài, bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng Đề án “Kiện toàn các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh” với 3 phương án hợp nhất các mô hình.
Theo đề án, phương án 1, thành lập duy nhất 1 mô hình tự quản tại thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh với tên gọi: “Khu dân cư tự quản xây dựng nông thôn mới” cho vùng nông thôn và “Khu dân cư tự quản xây dựng đô thị văn minh” cho vùng đô thị. Phương án 2, hợp nhất các mô hình theo 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh. Lĩnh vực kinh tế hợp nhất vào chung một mô hình với tên gọi: “Khu dân cư tự quản giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; lĩnh vực xã hội, hợp nhất các mô hình nhằm bảo vệ sức khỏe chung với tên gọi “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”; về đời sống văn hóa, tinh thần, hợp nhất các mô hình có tên gọi:“Gia đình kiểu mẫu nông thôn mới” áp dụng cho các xã, “Gia đình kiểu mẫu đô thị văn minh” áp dụng cho phường, thị trấn; lĩnh vực quốc phòng-an ninh, hợp nhất thành một mô hình chung với tên gọi: “Khu dân cư tự quản đảm bảo ANTT, an toàn xã hội”. Phương án 3, thứ nhất, giữ nguyên, phát huy và nhân rộng các mô hình mang tính chất đặc thù của từng địa phương, của từng dân tộc; thứ hai, điều chỉnh tên gọi các mô hình tộc, họ tự quản hiện có thành mô hình: “Tộc họ, dòng họ tự quản thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Để hoàn thiện đề án trên, đã có nhiều ý kiến đóng góp khác nhau. Ông Đổng Văn Ly, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Thái (Ninh Phước) phân tích: Từ tính đặc thù của mô hình tộc họ tự quản trong đồng bào Chăm, tôi đề nghị nên duy trì mô hình đã có. Một số cán bộ ngành Công an thiên về phương án 3 vì cho là phù hợp thực tế. Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh chia sẻ: Tôi nghĩ việc gộp lại các mô hình theo từng lĩnh vực là khả thi hơn cả, tôi chọn phương án 2. Cùng ý kiến này, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và đồng chí Huỳnh Hữu Phúc, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cũng cho rằng chọn phương án 2 là hợp lý hơn cả.
Với vai trò chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng đề án, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ghi nhận các góp ý của các cấp ngành, địa phương. Đồng chí Phan Hữu Đức, UVTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Do đây là hướng đi mới, là vấn đề quan trọng nên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá lại các phương án, tham khảo thêm từ các ngành, địa phương, bổ sung đề xuất đề án cho sâu sát với địa bàn dân cư trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để toàn hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh phối hợp triển khai thực hiện.
Bạch Thương