Toàn huyện hiện có 35.545 hộ, với trên 157.000 nhân khẩu sinh sống tập trung ở 66 thôn thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 33% dân số; đông nhất là đồng bào Chăm trên 48.000 người, chiếm 30,4% dân số. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng đã hòa quyện cùng cộng đồng các dân tộc tạo nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong đời sống ở địa bàn khu dân cư Ninh Phước.
Du khách trải nghiệm làm gốm tại làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: S.N
Trong những năm gần đây, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho các khu dân cư huyện Ninh Phước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, thiết bị âm thanh, ánh sáng, dụng cụ thể dục- thể thao… Chỉ riêng trong năm 2018, toàn huyện đầu tư trên 3 tỉ đồng xây dựng hệ thống trạm truyền thanh không dây cho 9/9 xã, thị trấn, mỗi xã có 15- 20 loa. Hệ thống đài truyền thanh và loa truyền thanh phủ sóng khắp 66 thôn, khu phố. Đến nay, 9/9 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa- thể thao và Đài truyền thanh cấp xã, 1 Trung tâm Văn hóa, Thể thao Đài Truyền thanh cấp huyện, 1 Thư viện huyện và 30 thư viện các trường học, 10 Bưu điện văn hóa xã, 28 sân bóng đá, 76 sân bóng chuyền đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa- thể thao của nhân dân. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” lan tỏa sâu rộng trong đời sống dân cư. Các xã, thị trấn đều thành lập đội bóng đá, bóng chuyền thường xuyên luyện tập tham gia thi đấu tranh giải truyền thống cấp huyện và giao hữu với các địa phương. Hoạt động thể thao tạo sân chơi bổ ích nâng cao sức khỏe cho người dân vùng nông thôn. Hệ thống truyền thanh hoạt động thường xuyên, tuyên truyền kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của chính quyền cơ sở đến với các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thành tựu nổi bật nhất, đó là địa phương đã bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Cụ thể, trong thời gian qua, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống được bảo tồn, công nhận xếp loại cấp quốc gia, cấp tỉnh…đồng thời được khai thác giá trị văn hóa về kinh tế, tinh thần, tạo động lực đưa đời sống nhân dân địa phương ngày càng phát triển. Đặc biệt, Lễ hội Ka tê của người Chăm và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Nhà nước đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (riêng nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp).
Lễ hội Katê của đồng bào chăm thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Nỷ
Các phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện phát triển rộng khắp. Mỗi thôn đều có đội văn nghệ gồm 15- 20 diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị- văn hóa quan trọng ở địa phương. Trên địa bàn huyện có nhiều câu lạc bộ (CLB) truyền dạy nhạc cụ dân tộc Chăm được thành lập và hoạt động hiệu quả. Tính đến nay, ở các xã- thị trấn có đồng bào Chăm sinh sống đều thành lập một CLB nhạc cục dân tộc, có ít nhất một đội văn nghệ dân gian Chăm. Các nghệ nhân dân gian đã tâm huyết chế tác, biểu diễn nhạc cụ và truyền dạy cho thanh-thiếu niên giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Trong năm 2018, có 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 54 thôn, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa cấp huyện.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, cho biết thêm: Thực hiện Chương trình hành động số 282/2014-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, huyện Ninh Phước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Phước phát triển toàn diện. Giáo dục ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có ý thức bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân, tính tích cực xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất. Khai thác tốt các nguồn lực trong nhân dân, tranh thủ và tạo sự đồng thuận cao, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa của cộng đồng. Nâng cao tính tự quản và phát huy dân chủ của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng nếp sống văn minh, môi trường “xanh-sạch- đẹp” và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội cho văn hóa.
Bình An