Để triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến với người dân, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ninh Phước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài việc thiết lập mạng lưới giao dịch tại các xã, công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ; đồng thời, quy trình thẩm định hồ sơ, thủ tục vay vốn được rút ngắn… Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay.
Chị Vi Môn Thị Hai, ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước)
thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tạo điều kiện cho 5.760 lượt hộ vay, với số tiền đã giải ngân gần 140 tỷ đồng, doanh số thu hồi nợ đạt trên 99 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến ngày 31-10 lên hơn 455,9 tỷ đồng, tăng 41,88 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,17% kế hoạch và đạt tỷ lệ 96,83% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Song song với việc triển khai chính sách tín dụng, đơn vị còn thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm, qua đó góp phần tạo nguồn vốn mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Kết quả từ đầu năm đến nay, chương trình huy động vốn tiền gửi tiết kiệm từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tại xã và các tổ chức, cá nhân đạt trên 22,8 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch, tăng 914 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Nét nổi bật trong công tác tín dụng chính sách ở Ninh Phước còn được thể hiện qua phương thức đầu tư tập trung, ưu tiên các chương trình chuyển đổi kinh tế, thâm canh cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị Vi Môn Thị Hai, ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái chia sẻ: Gia đình có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2,5 sào lúa, cuộc sống rất khó khăn. Được sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ xã, tôi vay 15 triệu đồng vốn NHCSXH để trồng bắp và nuôi bò. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình đã thoát được nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng. Năm 2015, chị tiếp tục vay 45 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để tái đầu tư sản xuất. Đến nay, chị Hai đã sở hữu 1 ha đất trồng bắp, 9 con bò và 2 con heo sinh sản. Theo ông Lưu Văn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thái, đến thời điểm này, trên địa bàn xã có gần 2.600 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 54,5 tỷ đồng. Trong đó, một số chương trình cho vay đạt tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu vào đối tượng hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và học sinh-sinh viên, chiếm trên 60% tổng số cho vay. Thực tế chứng minh, nguồn vốn của NHCSXH trong những năm qua đã tác động mạnh mẽ, thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm còn 122 hộ, chiếm tỷ lệ 4,11%; đời sống người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.
Với mạng lưới 357 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín khắp các thôn đã góp phần đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả. Đây được xem là kênh chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi của nhà nước đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh chóng và hiệu quả. Để công tác cho vay của NHCSXH phát triển tốt hơn, ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ninh Phước cho biết: Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục tăng cường công tác huy động nguồn lực tài chính, ưu tiên đầu tư cho các dự án kinh tế trọng điểm, các xã phát triển sản xuất; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các đối tượng thụ hưởng chính sách, cho vay gắn với xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hồng Lâm