Tuy vậy, trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng sâu sắc, để phát triển sản xuất, theo những người làm công tác chuyên môn, cần sớm xây dựng đường ống liên thông các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Sau cơn bão số 8 và số 9 vừa qua, lượng nước ở 21 hồ chứa được nâng lên đáng kể, tính đến ngày 4-12, đạt 187,41/194,49 triệu m3, đảm bảo đủ cho sản xuất vụ đông - xuân 2019 đang là tín hiệu đáng mừng. Nhưng có một thực tế làm cho ngành chức năng, các địa phương luôn ở trong tư thế “ứng phó”, đó là trước khi bão tới đang tập trung cho công tác chống hạn bởi nhiều hồ thủy lợi xuống mực nước chết, thì khi bão tới kéo theo vài cơn mưa là một số hồ đã phải xả lũ. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Đối với địa phương thường xuyên khô hạn như tỉnh ta, thì đợt mưa vừa qua là rất quý giá, tình hình sản xuất vụ đông - xuân 2019 sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế lượng nước tích ở các hồ. Sở đang chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý nguồn nước, cập nhật tình hình lưu lượng nước ở hồ để chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, đảm bảo cho sản xuất, không riêng gì vụ đông - xuân mà cả những vụ tiếp theo trong năm 2019.
Các đơn vị tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm hồ Sông Than. Ảnh: A.Tùng
Kết quả xây dựng khung lịch thời vụ, điều tiết nước đảm bảo sản xuất thích ứng với BĐKH triển khai ở thời gian qua là cần thiết, tuy nhiên nỗ lực tìm kiếm nguồn tài trợ từ Trung ương và các tổ chức quốc tế của tỉnh để phát triển hệ thống thủy lợi mới được coi là giải pháp căn cơ nhất, đảm bảo cho phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng khô hạn. Sau nhiều đợt làm việc với các bộ, ngành Trung ưng của lãnh đạo tỉnh liên quan đến đề xuất dự án Xây dựng đường ống tiếp nước từ hồ Sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đến hồ Lanh Ra, xã Phước Vinh (Ninh Phước); đường ống tiếp nước cho hồ Bà Râu (xã Lợi Hải), hồ Sông Trâu, xã Phước Chiến (Thuận Bắc) từ kênh chính Hệ thống tưới Tân Mỹ (Ninh Sơn) và dự án Xây dựng hệ thống tự động trong giám sát, quản lý, vận hành đường ống; xây dựng mô hình tưới tiết kiệm, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đến nay đã được Chính phủ chấp thuận đầu tư với tổng vốn dự kiến khoảng 83,23 triệu EUR.
Theo bản ghi nhớ chuyến công tác của Cơ quan phát triển Pháp và Chính phủ vào tháng 5 vừa qua về dự án Chống xói lở, ngập lụt ứng phó với BĐKH cho 4 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, các đại diện có liên quan đã khẳng định tiểu dự án tỉnh Ninh Thuận đề xuất sẽ được thẩm định, cấp vốn từ năm 2019. Đây có thể xem là thành công lớn trong hoạt động kêu gọi hỗ trợ đầu tư vào những công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, bởi dự án hướng đến mục tiêu phát huy hiệu quả ứng phó với hạn hán, lũ lụt, điều tiết nguồn nước giữa các lưu vực, chủ động tạo nguồn phục vụ dân sinh và sản xuất. Đặc biệt, với việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xây lắp, cho phép hệ thống đường ống xuyên qua các địa hình phức tạp, tiếp đầy nước cho hồ Lanh Ra, đảm bảo tưới 5.550 ha đất canh tác thuộc huyện Ninh Sơn và Ninh Phước; tiếp đầy nước cho hồ Bà Râu và hồ Sông Trâu, cấp nước cho kênh bơm Sông Trâu vào mùa hạn để tưới tự chảy, giảm thiểu chi phí quản lý vận hành, đảm bảo tưới cho 3.882 ha đất canh tác của huyện Thuận Bắc và Ninh Hải; cấp nước sinh hoạt cho 130.000 dân; tạo nguồn cấp nước phục vụ Khu kinh tế phía Nam và Đông-Bắc của tỉnh.
Xác định công tác ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tậm, cấp bách nên UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai dự án đúng kế hoạch. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quá trình thực hiện các nội dung tỉnh giao gặp nhiều thuận lợi nhờ có sự đồng thuận cao của nhân dân ở các vùng hưởng lợi từ dự án.
Anh Tùng