Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể huyện Ninh Phước tập trung triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Toàn huyện Ninh Phước hiện có 37.783 hộ với trên 160.900 người dân sinh sống tập trung ở 66 khu dân cư thuộc 9 xã, thị trấn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,7%, gồm 39.702 người Chăm và 2.324 người Raglai. Mục tiêu của huyện Ninh Phước phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%/năm; riêng các xã có hộ nghèo trên 10%, giảm 4%/năm; đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, toàn huyện đã huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ 19,46 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, có 5,63 tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn phát triển vùng rau an toàn xã Phước Hải; xây dựng trường học ở các xã vùng bãi ngang: Phước Hải, An Hải; hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo chăn nuôi; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số đào tạo nghề xuất khẩu lao động. Vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ 2,46 tỷ đồng phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Chị Trượng Thị Quảng dân tộc Chăm ở xã Phước Hữu chăm sóc bò nái giống
do chương trình giảm nghèo của huyện Ninh Phước hỗ trợ.
Ngân sách hỗ trợ 5,16 tỷ đồng giúp 172 hộ nghèo cải thiện về nhà ở theo Quyết định số 33/2015-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ 4,91 tỷ đồng trợ giá điện sinh hoạt cho 10.045 lượt hộ nghèo. Ngoài ra, các hộ nghèo được cấp 112.740 thẻ BHYT khám chữa bệnh với chi phí trên 16,6 tỷ đồng; miễn giảm học phí 7.571 lượt học sinh, với số tiền 1,03 tỷ đồng. Toàn huyện có 13.223 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi 213,6 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả đã tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống hộ nghèo trên địa bàn huyện. Các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội đồng hành chung tay giảm nghèo bền vững cho đoàn viên, hội viên. Tính riêng trong năm 2018, Ninh Phước đã huy động các nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ trên 4 tỷ đồng thực hiện các dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Địa phương tổ chức 15 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 500 học viên; giải quyết việc làm cho 3.261 lao động; xuất khẩu 24 lao động. Hỗ trợ 49 con bò nái nuôi sinh sản trị giá 900 triệu đồng cho hộ nghèo ở các xã An Hải, Phước Hải, Phước Hữu. Nhờ đó, đã đưa thu nhập bình quân của người dân từ 23,9 triệu đồng (năm 2015) tăng lên 35,9 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,66% xuống còn 4,75% vào cuối năm 2018. Toàn huyện hiện còn 1.794 hộ, với 6.474 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới, chủ yếu là gia đình neo đơn, bệnh tật, đông con thiếu lao động.
Chị Trượng Thị Quảng, dân tộc Chăm ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu được nhận bò nuôi sinh sản từ chương trình giảm nghèo, phấn khởi: Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tôi rất vui mừng được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò và vốn trồng cỏ, làm chuồng trại trị giá 17 triệu đồng. Gia đình tôi chăm sóc chu đáo con bò này với ước mong sinh sản nhiều bò con làm vốn nuôi các cháu ăn học trưởng thành, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nỗ lực thực hiện các giải pháp giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Ninh Phước tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách; thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động nhằm từng bước cải thiện đời sống cho người dân, mục tiêu đến cuối năm 2019 giảm hộ nghèo xuống còn 4,47%. Qua đó, huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 8/8 xã đạt chuẩn và huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Sơn Ngọc