Chịu ảnh hưởng của nắng hạn trong thời gian qua làm cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Nam gặp nhiều khó khăn, có vụ phải ngừng sản xuất, tác động không nhỏ đến đời sống của nông dân. Từ ngày 17 đến 26-11, ảnh hưởng bão số 8 và số 9, trên địa bàn huyện xuất hiện mưa to ở diện rộng, các hồ, đập tích đầy nước, đảm bảo cho sản xuất vụ đông - xuân. Theo báo cáo của Trạm Thủy nông huyện, tính đến ngày 7-12, dung tích tại các hồ đạt 37,81 triệu m3; trong đó, hồ Tân Giang 13,31 triệu m3, hồ Sông Biêu 17,55 triệu m3, hồ Bầu Ngứ 1,67 triệu m3. Trên cơ sở lượng nước tích trữ, toàn huyện dự kiến xuống giống hơn 2.280 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa 1.790 ha, còn lại là diện tích cây màu. Đặc biệt, đối với cây lúa, hướng tới mục tiêu tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện tiếp tục mở rộng mô hình cánh đồng lớn ra các xã, với quy mô 413 ha. Cụ thể, xã Phước Ninh 143 ha/185 hộ; Nhị Hà 110 ha/150 hộ; riêng khu vực xã Phước Nam bổ sung thêm 45,35 ha, nâng tổng diện tích lên 114,6 ha. Để đảm bảo thời gian gieo trồng hợp lý, theo ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kết hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, hiện huyện đã triển khai cụ thể đến từng địa bàn, tập trung giám sát quá trình thực hiện đúng kế hoạch. Theo đó, vụ đông-xuân bắt đầu xuống giống từ ngày 10-12-2018 và đến ngày 10-1-2019 phải hoàn thành để tránh tình trạng cùng một xứ đồng tồn tại nhiều trà lúa, dẫn đến sâu bệnh, kém năng suất. Đối với các loại cây trồng khác, tùy thuộc vào điều kiện từng vùng để xuống giống phù hợp.
Nông dân xã Phước Nam làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông-xuân.
Nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên vùng đất canh tác, ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích bà con chọn lựa các loại giống kháng bệnh tốt, ít bị nhiễm rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, giống ngắn ngày, dễ chăm sóc, năng suất cao, chất lượng tốt, như: VNĐ 95-20, TH 41, OM 6976, IR 64; giống bắp NK66, G49, C919... Ngoài việc đảm bảo tiến độ gieo trồng, huyện cũng chủ động rà soát những diện tích lúa không đảm bảo nước tưới, vùng gò đồi chuyển sang trồng cây ngắn ngày, tập trung ở 4 xã: Phước Hà, Nhị Hà, Phước Nam và Phước Ninh, với diện tích 76 ha. Đồng thời, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kịp thời khắc phục, nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng bị sạt do bão gây ra. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Thuỷ nông huyện tăng cường phối hợp với các xã thực hiện chặt chẽ khâu dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng; hướng dẫn và thông báo kịp thời cho người dân biết để có hướng xử lý và bảo vệ hiệu quả. Xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý, đảm bảo toàn bộ diện tích gieo trồng phải được tưới đủ nước đến cuối vụ. Bà Châu Thùy Mai Ry, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam, cho biết: Hiện tại, xã đang khẩn trương chỉ đạo nông dân đẩy nhanh khâu làm đất, để sẵn sàng xuống giống; tổ chức khảo sát vùng chuyển đổi và chọn giống đậu xanh cao sản ĐX-208 của Công ty Giống cây trồng Nha Hố, cỏ chăn nuôi làm cây trồng chủ lực, diện tích dự kiến chuyển đổi khoảng 30 ha.
Với những giải pháp chỉ đạo sản xuất đồng bộ, tin rằng huyện Thuận Nam sẽ gặt hái được nhiều kết quả trong vụ đông-xuân 2018-2019.
Hồng Lâm