Phiên họp diễn ra trong 1 ngày với 5 nội dung, trong đó trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2018; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29% (mức giảm thấp nhất trong 9 năm), bình quân tăng 3,59%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, 11 tháng tăng hơn 10% .Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 12,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%. Khách quốc tế 11 tháng đạt hơn 14 triệu lượt, tăng 21,3%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Xuất siêu ở mức kỷ lục 6,8 tỷ USD. Thành lập mới doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh. 11 tháng có trên 121.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 9,1%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 3,4 triệu tỷ đồng. Gần 32.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế trong nước tháng 12 tiếp tục diễn biến tích cực. Thương mại, tiêu dùng, du lịch dự báo sẽ tăng cao do là tháng cuối cùng của năm và có các kỳ nghỉ lễ lớn của quốc tế. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức 6,6-6,8%, lạm phát khoảng 4%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn phức tạp. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực, nên diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực sẽ có tác động sâu rộng đến kinh tế trong nước. Xuất nhập khẩu dự báo sẽ đối mặt với cơ hội và thách thức đan xen do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Ngoài ra, kinh tế trong nước cũng cần phải tính đến những khó khăn, thách thức nội tại như sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của thiên tai, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu; tình hình giá cả có thể biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ giá cả thế giới và nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12, trong đó việc tổng kết năm 2018 phải tránh bệnh thành tích, đánh giá thực chất, không phô trương, nêu rõ các tồn tại, bất cập.
Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2018, Thủ tướng đề nghị làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12 này. Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ, làm tốt nhiệm vụ tổng kết năm 2018 theo tinh thần tránh bệnh thành tích, đánh giá thực chất, không phô trương, nêu rõ các tồn tại, bất cập, nguyên nhân, kinh nghiệm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2019.
Nhiệm vụ thứ 2 là xây dựng Nghị quyết 01 với tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, do đó, nội dung phải cụ thể, bám sát chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Quốc hội giao. Cho rằng các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu ở mức cao hơn, Thủ tướng lấy ví dụ, mục tiêu tăng trưởng 2019 phấn đấu đạt là 6,8%, tức là ở cận trên mức Quốc hội đã thông qua (từ 6,6 – 6,8%).
Điều quan trọng của Nghị quyết là các nhiệm vụ, biện pháp phải giải quyết được các bức xúc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 mà còn ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao mọi mặt đời sống xã hội. Bên cạnh chất lượng tăng trưởng, cần chú ý, xử lý các vấn đề bất cập của xã hội và có một số đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt hơn nữa, thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước.
Thứ 3, trong tháng 12, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội thị trường tăng mạnh dịp cuối năm và giáp Tết; đồng thời chú trọng lo Tết cho nhân dân. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tổ chức Tết.
Thủ tướng cũng lưu ý việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đặc biệt là thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tổ điều hành giá và các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ phương án giá điện, giá dịch vụ y tế… với mức độ điều chỉnh và thời điểm phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của tỷ giá hối đoái, có chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt.
Bộ Công Thương phải có biện pháp bảo đảm đủ điện cho sản xuất, đời sống của người dân. Không để thiếu điện trong năm 2019.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý giáo dục mầm non, tiểu học; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương tăng cường giám sát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em.
Theo Báo Chính phủ điện tử