Khởi sắc từ hoạt động chế biến hàng nông sản

(NTO) Thời gian qua, ngành chức năng tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất, qua đó tiếp thêm sức mạnh giúp các đơn vị lắp đặt dây chuyền chế biến hàng nông sản phong phú về chủng loại, mẫu mã.

Nho là sản phẩm đặc thù của tỉnh được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như Công ty Vang nho Thăng Long, Công ty Thực phẩm Lâm Đồng, Trung tâm Tư vấn và Phát triển công nghệ Nha Hố hằng năm sản xuất hàng ngàn lít vang nho cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, có 200 hộ gia đình và hàng chục thành phần kinh tế như: HTX Nho Evergreen, HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Xuân Hải, Doanh nghiệp tư nhân SX-TM&DV Ba Mọi, Công ty TNHH SX&TM Nông sản Thái Thuận, Cơ sở Thực phẩm Viết Nghi cũng tham gia chế biến các sản phẩm sau nho tươi có sự đầu tư quy trình chế biến và bảo quản hiện đại.

 

Các sản phẩm chế biến từ cây trồng đặc thù của tỉnh đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: A.T

Hoạt động chế biến hàng nông sản của các đơn vị hướng vào nhóm sản phẩm cây trồng đã được bảo hộ dưới dạng Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể, là hướng đi tích cực góp phần vào nâng cao thương hiệu, giá trị hàng hóa. Tỏi Phan Rang được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ tại Quyết định số 51716/QĐ-SHTT ngày 19-9-2013. Ngay sau đó, diện tích trồng tỏi nhanh chóng được mở rộng từ vài chục ha lên hơn 100 ha hiện nay, ở một số địa phương như xã Thanh Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải) hình thành một số vùng sản xuất quy mô tập trung ứng dụng công nghệ cao. Để nâng tầm thương hiệu sản phẩm đặc thù, Công ty TNHH đầu tư Đỉnh Lợi, Công ty TNHH Anh Trung chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tỏi, doanh thu hằng năm đạt cao, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

“Làn sóng” doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khâu chế biến đã giải quyết đầu ra ổn định cho hàng nông sản, khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” như trước đây. Để sản xuất 3.000 tấn thạch nha đam/năm, Công ty Thực phẩm Cánh Đồng Việt thu mua 7.200 tấn lá nha đam của các hộ trồng với giá cao. Sản phẩm của công ty được chứng nhận ISO 22000, tiêu chuẩn HALA, Organic đảm bảo chất lượng, những thị trường khó tính, như: Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… chấp thuận.

Riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đáng kể nhất là Công ty Cổ phần rau câu Sơn Hải đã xây dựng Nhà máy bột rong sụn đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Thuận. Theo báo cáo chiến lược kinh doanh của công ty, với thị phần chiếm giữ 44% doanh số bán mặt hàng thạch rau câu, mỗi năm nhà máy cung cấp cho thị trường 300 tấn bột rong sụng. Việc hoạch định chiến lược phát triển mở rộng sản xuất, nâng sản lượng bột rong sụn lên 600 tấn/năm vào thời gian tới của công ty sẽ góp phần vào khai thác tiềm năng mặt nước, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho một bộ phận cư dân ven biển. Không dừng lại đó, các cơ sở chế biến rong sụn, như: Cơ sở Cô 5, Cơ sở nông sản Thảo Trang, Tổ hợp tác tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) chuyên chế biến rong sụn nguyên bản sấy khô, mứt rong sụn, rong sụn tẩm nước cốt nho, nước cốt táo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có công bố chất lượng, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tạo thương hiệu mạnh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cũng góp phần thúc đẩy nghề trồng rong sụn phát triển lên tầm cao mới.

Có thể nói, với việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến hàng nông sản đặc thù của tỉnh đã kéo theo hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao cung cấp nguyên liệu phục vụ nhà máy. Diện tích nho, tỏi, nha dam… canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP có năng suất và chất lượng cao tăng dần theo từng năm, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.