Phước Thành: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(NTO) Hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân, thời gian qua, xã Phước Thành (Bác Ái) đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng bắp lai, mỳ cao sản và cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã Phước Thành có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 2.170 ha, nhưng phần lớn không chủ động nước tưới, nên việc trồng trọt của nông dân gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với địa hình đồi núi là thách thức không nhỏ với địa phương. Đồng chí Chamaléa Nhiên, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh gắn với thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó, xã thực hiện rà soát vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó, nhiều diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, thiếu nước được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng chịu hạn, có giá trị kinh tế cao.

Nông dân xã Phước Thành trồng cây đu đủ trên đất rẫy kém hiệu quả mang lại kinh tế cao.

Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều vùng đất thường xuyên thiếu nước, hoang hóa, cằn cỗi trước đây nay đã trở thành những cánh đồng bắp, mỳ và vườn cây ăn trái xanh tốt, cho thu nhập ổn định. Bà Nguyễn Thị Lim, thôn Đá Ba Cái, cho biết: Trước đây, hơn 2 ha đất rẫy của gia đình chủ yếu trồng bắp địa phương, năng suất bấp bênh, vào mùa nắng hạn bỏ hoang. Được xã vận động chuyển đổi cây trồng, đã mạnh dạn trồng đu đủ, xoài Thái Lan, xoài Úc, bưởi da xanh, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay, xã Phước Thành đã tập trung vận động bà con chuyển đổi được 31 ha đất trồng hoa màu sang trồng mỳ, đu đủ, xoài Úc, mít, bưởi da xanh, biến những vùng đất thường xuyên thiếu nước trước đây trở thành những cánh đồng sản xuất ổn định.

Đồng chí Chamaléa Nhiên, cho biết thêm: Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả, thời gian tới xã tiếp tục chuyển đổi khoảng 30 ha đất trồng bắp kém hiệu quả sang trồng mỳ cao sản và cây ăn trái. Tổ chức hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình xen canh cây trồng; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.