Cách đây 5 năm, một số hộ ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc), xã Phước Hải (Ninh Phước) áp dụng mô hình nuôi bò vỗ béo được đánh giá có hiệu quả nhờ vào ưu điểm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, giảm nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, bấy giờ mô hình triển khai nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ nuôi vài, ba cặp bò. Hoạt động chăn nuôi hiện nay đã được nâng lên tầm cao mới, mô hình nuôi bò vỗ béo nhân rộng ra tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hình thức tổ chức chăn nuôi cũng đã thay đổi theo hướng liến kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô đàn tăng lên hàng trăm con. Anh Lê Tấn Quý ở khu phố 8, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) gầy dựng được cơ sở nuôi bò vỗ béo với tổng đàn 200 con, chia sẻ: Để mở rộng sản xuất trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, tôi hợp đồng với nông dân trồng bắp làm thức ăn cho bò; đồng thời, vào tận Đồng Nai, Bình Dương tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mối liên kết đa chiều giữa hộ chăn nuôi với hộ trồng trọt, hộ chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến thực phẩm là yếu tố đảm bảo cho hoạt động sản xuất có lãi, mỗi tháng cung cấp cho thị trường hơn 1 tấn thịt sạch, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động có thu nhập ổn định.
Trang trại bò của Công ty TNHH Phương Thảo cung cấp bò giống chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi.
Nhìn lại hoạt động chăn nuôi 2018 để thấy, các cơ sở, doanh nghiệp, nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhận thấy tỉnh ta có lợi thế về sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao, Công ty TNHH Phương Thảo đã đầu tư xây dựng Trang trại bò sinh sản ở địa bàn thôn Cà Đú 1, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), mỗi năm cung cấp cho hộ nuôi trên toàn quốc khoảng 1.000 con giống. Bí quyết dẫn đến thành công của công ty đó là coi trọng sản xuất giống chất lượng, tăng trọng nhanh, khả năng kháng bệnh cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên ở nhiều vùng miền. Hoạt động sản xuất bò giống của công ty đang trên đà phát triển theo hướng mở rộng phạm vi cung cấp vốn, con giống cho nông dân chăm sóc, sau đó mua lại toàn bộ sản phẩm. Đợt đi thăm các mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 11 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hình thức liên kết sản xuất của công ty sẽ tạo điều kiện cho nhiều hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời, đề nghị địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân sản xuất con giống đảm bảo đôi bên cùng có lợi.
Ngành chăn nuôi năm 2018 có nhiều chuyển biến đó là nhờ vào sự nỗ lực của đơn vị chức năng, các địa phương trong việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối “cung - cầu” thị trường tiêu thụ hàng nông sản đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho những thành phần kinh tế phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Hộ sản xuất tiêu biểu cũng được bầu chọn, gửi tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tham dự Diễn đàn “Phát triển chăn nuôi bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, qua đó bà con học hỏi được những mô hình hay, áp dụng có hiệu quả vào điều kiện thực tế ở tỉnh ta. Ứng phó với nắng hạn, HTX Dịch vụ tổng hợp chăn nuôi Tân Hà, xã Nhị Hà (Thuận Nam) thực hiện Mô hình chăn nuôi khép kín, mở ra hướng đi mới cho sản xuất ở vùng khô hạn. HTX chủ động xây dựng kế hoạch chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, chuồng trại xây dựng kiên cố. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc hơn 1000 con, HTX đầu tư trồng 1 ha cỏ; đồng thời, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ trong mùa khô.
Có thể nói, những mô hình chăn nuôi ứng phó với hạn hán đang được nhân rộng đã tạo sự khác biệt của mặt hàng nông sản của vùng nắng gió đặc trưng, nâng cao ưu thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường.
Anh Tùng